Chị T quen người chồng đầu tiên thời điểm học đại học. Anh là chàng trai giấu mặt luôn giúp đỡ chị. Sau khi chị T ra trường, anh chính thức theo đuổi và hai người tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, chị phát hiện anh dan díu với một cô gái trẻ thời điểm sau khi sinh em bé, lúc về nhà mẹ ruột chơi.
“Khi tôi quay trở lại, anh có động thái chia tay với cô bé. Cô bé không đồng ý, liên tục nhắn tin cho anh. Tôi phát hiện lấy số của cô bé để hỏi về mối quan hệ của hai người. Cô không tin rằng anh đã có vợ cho đến khi chị T gửi hình anh chụp cùng vợ con. Biết bản thân bị anh lừa dối, cô ấy sốc, thổ lộ bản thân muốn tự tử”, chị T kể.
Chị khuyên cô gái trẻ đừng làm chuyện dại dột mà hãy làm một phép thử xem phản ứng của anh. Cô bé đồng ý, liên tục nhắn tin hù doạ tự tử nhưng anh vẫn dửng dưng. Anh xem cô ấy là đối tượng “chơi qua đường”. Nhìn rõ bản chất của người đàn ông chị gọi là chồng, chị T quyết tâm chấm dứt với anh.
“Khi anh đã lừa dối nhưng vẫn điềm nhiêm mặc kệ người tình của mình, không có chút tình người, trong giây phút ấy tôi biết bản thân đã chọn sai người để chung sống. Dù khi ấy anh lựa chọn như thế nào tôi vẫn sẽ ly hôn bởi tôi không thể chấp nhận chuyện bị chồng “cắm sừng” sau lưng”, chị T quả quyết. Sau cuộc hôn nhân đầu, chị T nhận ra bản thân lập gia đình khi chưa có kinh nghiệm làm vợ. Chị chưa chuẩn bị về tâm lý, trước mọi việc chị như một đứa trẻ nóng nảy và thiếu chia sẻ, thấu hiểu cho đối phương.
Hơn hai năm sau, chị mở lòng quen biết người đàn người thứ 2. Trong một lần đi làm từ thiện, vẻ lạnh lùng, khó gần của chị vô tình khiến anh ấy bị thu hút. Anh ấy quyết tâm đeo đuổi, nhờ mẹ đến nhà chị cưới chị. Dù bản thân chưa thật sự có tình cảm nhưng việc được anh chăm sóc, đối xử tốt ngày qua ngày, khiến chị xiêu lòng. Sau khi cưới nhau, anh hết mực chìu chuộng, yêu thương vợ.
Sau đám cưới, chị có thai và một ai đó liên tục dùng tên, số điện thoại, địa chỉ nhà rồi đặt hàng online nhằm phá hoại cuộc sống của chị. Một lần tình cờ, anh để quên điện thoại ở nhà. Chị bắt máy và đầu dây bên kia là giọng nói lạ. Cô ấy nói chỉ là bạn của chồng chị, nói chị đừng để tâm mà ảnh hưởng đến con. Sau đó anh giải thích đó là người yêu cũ, anh quen thời điểm tuổi mới lớn, đầy bồng bột. Khi ấy, anh nghĩ rằng quen một người có tiền để chăm lo cho anh nhưng dù cố gắng anh vẫn không thể yêu và chung sống cùng người phụ nữ này. Cả hai người đã có với nhau một đứa con.
Khi biết anh có con riêng, chị khuyên chồng nên lo cho đứa bé. Chị thường mua quà để anh đến gặp con vào những ngày đặc biệt. Tuy nhiên, chị không ngờ anh và người yêu cũ bắt đầu lén lút qua lại. Một lần chị sốt cao, anh vẫn bỏ mặc để đến với mẹ con cô ấy.
Sau khi sinh, hình ảnh người đàn ông hết lòng vì vợ đã không còn. Anh bắt đầu thay đổi: “Anh từng nắm chặt tay tôi lúc sinh để trải qua giai đoạn khó khăn ấy. Từ một người không tiếc gì cho vợ, anh keo kiệt từng miếng ăn, manh tã cho con. Anh tiếc cả nước tắm, bắt tôi phải dùng lại nước con tắm thay vì đổ đi. Nhìn cách anh thay đổi, tôi như rơi xuống vực sâu, cảm thấy rằng cuộc hôn nhân này không thể nào tiếp tục được nữa”.
Chị T thổ lộ muốn ly hôn, cũng là lúc anh bạo hành vợ. Một lần, chị đưa con về nhà ngoại, ba má chồng gọi chị trở về Sài Gòn vì anh đã dọn hết quần áo đi cùng phụ nữ kia. Anh đuổi chị ra khỏi nhà và chốt cửa. Chị phải nhờ công an địa phương đến can thiệp để vào nhà dọn quần áo đồ đạc về nhà mẹ.
“Tôi cùng cực, nhắn tin xin cô ấy buông tha cho gia đình tôi vì con của tôi còn quá nhỏ. Từ lúc anh công khai đến với cô ấy, anh trở về nhà liên tục bạo hành vợ, bỏ ba mẹ để đi theo cô ấy nhưng cô ấy không trả lời. Bạn bè tôi kể rằng họ thuê nhà để sống cùng nhau. Trong suốt 4 tháng ấy, tôi gánh chịu sự ghẻ lạnh, cô độc chì chiết và bạo hành đến từ anh và sự thương cảm của những người hàng xóm”, chị T đau xót kể lại.
Sau đó, anh làm đơn và cả hai ra toàn ly hôn. Ngày từ tòa trở về, trong lòng chị T trống rỗng, khóc không ra nước mắt. Quãng thời gian đó, chị không có bất cứ chỗ dựa nào, kể cả gia đình: “Ba mẹ tôi cảm thấy xấu hổ, sợ mang tiếng có con hai ba đời chồng. Tôi không biết đâu là bến bờ để neo đậu. Tôi hiểu cảm giác chới với khi ai đó muốn kết liễu cuộc đời. Tôi từng có ý định nhảy cầu, nhưng khi nhìn thấy các con, tôi trách bản thân có suy nghĩ dại dột đó”.
Chị và hai con dọn ra ngoài thuê chỗ trọ. Số tiền chị dạy luyện thi trước đây gửi chồng giữ hộ không thể nào lấy lại. Chị quyết tâm làm lại từ đầu, nỗ lực làm nhiều công việc để kiếm tiền trang trải, Ở cuộc hôn nhân thứ 2, bài học sâu sắc chị nhận ra là phải hiểu rõ bản thân, hôn nhân xuất phát điểm từ tình yêu thì mới lâu bền được.
Sau hai cuộc hôn nhân thất bại, chị T tìm thấy cho mình một bến bờ hạnh phúc mới: “Đến giờ, tôi mới hiểu cảm giác yêu một người đàn ông tốt sẽ như thế nào? Hai cuộc hôn nhân trước, tôi chưa đủ kinh nghiệm yêu đương, không biết cách vun vén gia đình. Hiện tại, tôi được là chính tôi, cả hai có sự quan tâm đến nhau, sự sẻ chia, yêu thương để đồng hành lâu dài”.
Sau khi lắng nghe những giờ phút trải lòng của nhân vật, tiến sĩ Tô Nhi A thổ lộ hôn nhân là một hành trình rất dài, nhưng hạnh phúc hiện tại của chị T đầy thuận lợi cho những ngày chung sống sau này và nhiều nỗ lực vun vén từ hai phía. Nữ tiến sĩ tôn trọng quyết định không bật đèn của nhân vật: “Quan trọng nhất trong đời chúng ta là cảm giác được sống an yên, hạnh phúc. Những câu chuyện trong Người Thứ 3 không phải để chỉ trích hay lên án một ai, mà chính là để nhân vật và khán giả hiểu chính mình, rút kinh nghiệm cho bản thân mình để chúng ta có được một cuộc sống thật sự hạnh phúc, an lành, không còn ưu phiền vướng bận hay bị tấn công, đe doạ bởi người khác”.