Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2023

Cuộc thi nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/3 - 5/4/2023.

Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/3 - 5/4/2023.

Là hoạt động hưởng ứng chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2021, cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” nhằm mục đích tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn cho học sinh và phụ huynh trên cả nước.

Trong năm 2022, năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 592.810 thí sinh đến từ 5.783 trường THCS. Kết thúc cuộc thi có 8 trường đạt giải tập thể và 76 học sinh đạt giải cá nhân.

Tiếp tục nhận được sự bảo trợ của 3 bộ: TT&TT, GD&ĐT và LĐTB&XH, cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin 2023” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA chủ trì, Cục An toàn thông tin, Cục Trẻ em và Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên là các đơn vị đồng tổ chức.

Trong năm thứ 2, Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin 2023” sẽ thu hút khoảng 1 triệu học sinh THCS trên cả nước tham gia, gần gấp đôi so với số lượng thí sinh năm ngoái.

Thông tin từ Ban tổ chức cho hay, hệ thống thi trực tuyến tại địa chỉ thihsattt.vn đã được mở cho các em thi thử. Thời gian thi thử và ôn tập của thí sinh sẽ kéo dài đến hết ngày 14/3/2023. Dự kiến, học sinh THCS trên cả nước sẽ thi chính thức trên hệ thống từ ngày 15/3/2023 cho đến 5/4/2023.

Các thí sinh dự thi trực tuyến qua Internet, trả lời câu hỏi dạng trắc nghiệm qua trang web thihsattt.vn. Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 30 phút. Nội dung thi gồm kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng...; các kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng chống nguy cơ mất an toàn, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và một số tình huống ví dụ điển hình.

Thể lệ quy định rõ, số lần thi thử không bị hạn chế trong thời gian hệ thống mở thi thử. Sau khi nộp bài, thí sinh có thể xem lại bài làm để biết các câu trả lời đúng/sai và đáp án đúng.

Mỗi thí sinh chỉ hoàn thành bài thi 1 lần trong thời gian hệ thống mở thi chính thức. Sau khi nộp bài, thí sinh sẽ biết kết quả. 

Cuộc thi sẽ có tổng số 111 giải thưởng hấp dẫn bao gồm:

- Giải thưởng tập thể dành cho Sở GD&ĐT các địa phương có nhiều trường, nhiều học sinh tham dự thi với chất lượng bài thi tốt; gồm Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.

- Giải thưởng tập thể dành cho Trường có nhiều học sinh THCS dự thi với chấtlượng bài thi tốt: gồm bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Ban tổ chức cuộc thi và phần thưởng bằng tiền mặt.

- Giải cá nhân (với 100 giải thưởng) gồm Bằng khen, Giấy khen của Ban tổ chức cuộc thi và các phần quà công nghệ hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các thi sinh đạt điểm cao còn được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức cuộc thi. Năm 2022, lần đầu tiên tổ chức, Cuộc thi đã thu hút 592.810 thí sinh của 5.783 Trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Với kết quả đáng khích lệ đó, năm nay cuộc thi hy vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng của khoảng 1 triệu học sinh của các trường THCS trên cả nước và là dịp để các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo… có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích.