Người chăn nuôi nói không với chất cấm
Cục Chăn nuôi cho biết, trong thời gian qua, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Salbutamol và chất vàng 0, có chiều hướng ngày càng gia tăng, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ tại những địa bàn có thị trường tiêu thụ thịt lợn nhiều như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang... Và điều đáng quan ngại là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) và thuốc thú y.
Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất TĂCN, 12 tỉnh và thành phố trên cả nước đã tiến hành lấy mẫu thức ăn tại các nhà máy. Kết quả phát hiện 1/19 mẫu dương tính với chất Salbutamol, chiếm 5,3%. Đối với các cơ sở nuôi lợn thịt tại các trang trại tại Đồng Nai có 1/28 mẫu dương tính với chất Salbutamol, chiếm 3,6%; 29/263 mẫu nước tiểu,chiếm 11% dương tính với Salbutamol, trong đó, 1 ở An Giang, 21 ở Đồng Nai và Tiền Giang 7 mẫu. Tại các cơ sở giết mổ ở 12 tỉnh, TP trên cả nước, có 106/587 mẫu nước tiểu,chiếm 18,1% dương tính với chất Salbutamol, trong đó: Đăk Nông 3/54 mẫu, Đồng Nai 3/6, TPHồ Chí Minh 95/516, Tây Ninh 5/9 mẫu.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi, tình hình sử dụng chất tạo nạc năm 2015 diễn ra hết sức phức tạp. Nếu năm 2012, việc sử dụng chất tạo nạc chỉ diễn ra ở các nông hộ nhỏ lẻ thì hiện nay đã diễn ra ở các trang trại quy mô lớn. Điều này gây ra hai mối nguy hiểm đó là gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và nguy hiểm thứ hai là ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Ông Dương cho rằng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo sẽ khiến cho thịt Việt Nam mất lòng tin của người tiêu dùng, khó cạnh tranh với các loại thịt nhập ngoại, giá rẻ, chất lượng hơn khi TPP đi vào thực tiễn.
Chất cấm trong chăn nuôi hay còn gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist. 3 chất nỗi bật là Clenbuterol, Sabutamol, Ractoppamine. Nhóm chất này giúp vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh sẽ gây nguy hiểm thậm chí chết người nếu dùng quá liều.
Xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ tiếp tay
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi cho hay: “Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã có “lệnh”, phát hiện cán bộ trong ngành tiếp tay cho chất cấm, kháng sinh cấm, đuổi luôn khỏi ngành và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”. Để chế tài đối tượng có hành vi sử dụng chất cấm, theo ông Vân, hiện các quy định chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, cao nhất là đóng cửa cơ sở dùng chất cấm. Vì thế, chỉ doanh nghiệp lớn mới sợ, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc cơ sở làm cám vài vạn tấn/năm, họ cũng không sợ.
“Các trường hợp có hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể của con người mới xử lý hình sự. Trong khi đó, chất cấm sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng nặng về sức khỏe người dân. Chúng tôi đã kiến nghị, cần nghiên cứu kỹ các tác hại của chất cấm, từ đó, đưa nội dung này vào Bộ luật hình sự nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm”- ông Vân nói.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ Y tế cho phép sử dụng chất Salbutamol trong chữa bệnh, nên cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn việc sử dụng chất này qua đơn thuốc của bác sĩ, tránh rò rỉ ra ngoài gây nguy hiểm. “Thuốc Salbutamol, nhiều khả năng nhập lậu qua biên giới, nên chúng tôi đã đề nghị các địa phương ở biên giới tăng giám sát, trinh sát và xử lý”- ông Vân cho hay.