Nợ đọng BHXH đã giảm 0,2%
Ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết ngày 30/11, tổng số thu BHXH, BHYT đạt 223.469 tỉ đồng (trong đó khối LLVT là 15.766 tỉ đồng). Trong đó, thu BHXH bắt buộc được 154.630 tỉ đồng; BHXH tự nguyện 1.030 tỉ đồng; BH thất nghiệp 10.427 tỉ đồng và BHYT 56.271 tỉ đồng. Cùng với đó, hết tháng 11/2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 75.358.567 người (đã bao gồm LLVT), đạt 100,6% kế hoạch được giao. Đáng chú ý, dù tỉ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã giảm 0,2% so với tháng 10/2016, nhưng vẫn còn chiếm 5,6% kế hoạch thu (13.135 tỉ đồng), trong đó số nợ BHXH, BH thất nghiệp chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 12/2016
BHXH Việt Nam cho biết, hiện đơn vị này đã và đang chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý thanh tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT đối với những DN đóng không đủ cho số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên; cương quyết xử lý những DN cố tình chây ỳ. Chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên; dự kiến hết năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố xử phạt vi phạm hành chính khoảng 15 DN trở lên. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ cung cấp hồ sơ, phối hợp với LĐLĐ khởi kiện những đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa theo quy định. Dự kiến, đến 31/12, mỗi tỉnh, thành phố khởi kiện ít nhất 10- 50 DN có thời gian nợ trên 6 tháng. Đồng thời, công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp các ngân hàng thực hiện thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các DN; phát động phong trào thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 2016…
Ông Nguyễn Chí Đại khẳng định, với sự quyết liệt của BHXH các địa phương cùng những giải pháp trên, BHXH Việt Nam phấn đấu đến hết năm 2016 giảm số tiền nợ BHXH, BHYT của khối DN xuống còn khoảng 3%.
Lập hồ sơ khởi kiện trên 200 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT
Về công tác khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, để giảm tỉ lệ nợ BHXH, BHYT, cơ quan BHXH đã xây dựng quy trình, từ đôn đốc thu, thanh kiểm tra cho đến phối hợp thanh tra chuyên ngành… Thực hiện quy định của Luật BHXH 2014, cơ quan BHXH không khởi kiện đơn vị nợ BHXH, BHYT ra tòa, mà phải chuyển cho tổ chức Công đoàn thực hiện. Song, với chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng nộp BHXH, BHYT, toàn ngành BHXH đã tích cực triển khai và bước đầu đạt kết quả khả quan.
“Khởi kiện là một trong những biện pháp và là biện pháp cuối cùng nhằm giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo đó, nếu các giải pháp khắc phục nợ không đạt hiệu quả, cơ quan BHXH mới tiến hành lập hồ sơ, phân loại đơn vị nợ và tiến hành chuyển hồ sơ cho tổ chức Công đoàn tiến hành khởi kiện”. Ông Trần Đình Liệu lý giải và khẳng định: “Với trách nhiệm của mình, cơ quan BHXH sẽ chuyển hết hồ sơ đơn vị nợ cho Công đoàn khởi kiện; còn việc thụ lý các vụ kiện thuộc trách nhiệm của TAND các cấp. Đến hết tháng 11/2016, BHXH các tỉnh, thành phố đã lập hồ sơ trên 200 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên gửi sang tổ chức Công đoàn các cấp để tiến hành khởi kiện”.
BHXH Việt Nam cũng cho biết, để khắc phục tình trạng trung thẻ BHYT, BHXH Việt Nam đã ban hành các công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình quản lý thu và cấp thẻ BHYT. Chủ động kiểm tra và phối hợp với các đơn vị trong, ngoài ngành để rà soát danh sách, dữ liệu đối tượng tham gia, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, hạn chế thẻ BHYT cấp trùng trước khi phát hành, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chưa rà soát kỹ danh sách trước khi phát thẻ, chưa báo giảm dữ liệu cấp trùng, chưa thu hồi được thẻ BHYT đã cấp trùng có thời hạn trên 1 năm… Ngoài ra, ngành BHXH cũng chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, số định danh quản lý người tham gia BHYT, vì vậy công tác rà soát vẫn còn bị bỏ sót.
Căn cứ dữ liệu thẻ cấp trùng đã được BHXH các tỉnh, thành phố cung cấp, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố xử lý chuyển dữ liệu, danh sách thẻ trùng cho các đơn vị liên quan như: Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH, UBND quận, huyện, thị xã… để thực hiện báo giảm danh sách người tham gia BHYT thuộc các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ một phần đóng. Thực hiện thu hồi thẻ BHYT cấp trùng còn thời hạn sử dụng sau năm 2015 theo danh sách đã được xác định trùng như: thẻ đã cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Ban Thu, Ban Sổ- thẻ (BHXH Việt Nam) đã giải đáp, làm rõ thêm một số thắc mắc của các cơ quan báo chí liên quan đến việc chốt sổ BHXH cho người lao động tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, đơn vị có chủ sử dụng lao động mất tích; công tác đóng nộp BHXH tự nguyện, tra cứu thông tin quá trình đóng nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; bàn giao sổ BHXH cho NLĐ theo quy định của Luật BHXH 2014…