Bệnh nhân thứ nhất là Hoàng Văn O. (31 tuổi), trong lúc đốt pháo vào giao thừa đã bị cụt ½ cẳng tay phải, chảy rất nhiều máu. Sau hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ để cắt lọc mỏm cụt bị dập nát, khâu da tạo hình.
Bệnh nhân thứ hai tên Hoàng Văn Nh. (28 tuổi) là hàng xóm với gia đình anh O. Khi anh O đốt pháo bị thương vào tay, anh Nh đứng bên cạnh bỗng nhiên không nhìn thấy gì, mắt trái chảy nhiều máu. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện mắt trái của anh Nh. bị vỡ nhãn cầu.
Sau khi tai nạn xảy ra, các gia đình đã đưa các bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Việc cố tình đốt pháo dịp Tết đã khiến hai bệnh nhân O và Nh phải nhập viện (Ảnh mang tính chất minh họa).
Theo BS Hoàng Tiến Ninh, sau một ngày cấp cứu tích cực, thể trạng các bệnh nhân đã dần ổn định nhưng để lại những di chứng nặng nề.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tính đến ngày mùng 2 tết (tức 29/1/2017) các bệnh viện đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, ngoài ra còn có 28 trường hợp khác đến bệnh viện khám, cấp cứu do chất nổ khác.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong mấy ngày Tết là 2.203 trường hợp, trong đó có 990 ca phải nhập viện điều trị nội trú, 14 trường hợp tử vong.Năm ngoái, vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, báo cáo của Bộ Y tế cho biết trong 3 ngày (từ 30 đến mùng 2) có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi 2015.
Trong số 98 trường hợp này không có người tử vong. Quảng Ngãi là địa phương có số vụ bệnh nhân phải nhập viện vì đốt pháo cao nhất trong cả nước với 17 trường hợp, trong đó 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố; bên cạnh đó cũng có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, song không có ca tử vong.