Mặc dù những động thái ban đầu trong việc ngăn chặn kết hôn trẻ em đã có những kết quả nhất định tại Nam và Đông Nam Á, nỗ lực cần được đẩy mạnh hơn để bảo vệ 150 triệu em gái khỏi tình trạng này vào năm 2030 là thông điệp chính được đưa ra trong nghiên cứu. Nghiên cứu cũng đưa ra các sáng kiến can thiệp hiệu quả, giúp đạt được tham vọng toàn cầu để kết thúc việc kết hôn sớm ở trẻ em, thuộc Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững 2030.
Đại diện trẻ em lên tiếng về tình trạng tảo hôn.
Báo cáo nghiên cứu “Time to Act: Accelerating Efforts to Eliminate Child, Early and Forced Marriage in Asia” nêu lên chi tiết những giải pháp can thiệp và sáng kiến hiệu quả nhằm đạt được khát vọng toàn cầu về chấm dứt kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và kết hôn ép buộc, trong khuôn khổ của Kế hoạch Phát triển bền vững năm 2030.
Nam và Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục là điểm nóng với những con số đáng kể về kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và kết hôn ép buộc. Bangladesh cho thấy con số cao nhất với 52% trẻ em gái kết hôn dưới tuổi 15, cùng lúc đó 19% trẻ em gái tại Campuchia ở độ tuổi này đã kết hôn hoặc trong tình trạng tương tự. Số lượng trẻ vị thành niên mang thai cũng đang tăng lên tại các quốc gia Châu Á, với 43% các trường hợp ngoài ý muốn, một số xảy ra khi đã kết hôn, điều này cũng dẫn đến tỉ lệ nạo phá thai thiếu an toàn tăng tại khu vực.
“Chúng ta cần phải thúc đẩy những nỗ lực để chấm dứt kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và kết hôn ép buộc để xác định động cơ của hiện trạng mang thai ở tuổi vị thành niên. Xóa bỏ bạo lực giới và những thực trạng như kết hôn trẻ em là một trong những kết quả chuyển đổi của UNFPA” – Ông Bjorn Adersson, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNFPA phát biểu. Theo ông Bjorn Adersson, có thể xóa bỏ được bạo lực giới và kết hôn trẻ em bằng việc củng cố tiêu chuẩn bảo vệ và trao quyền cho trẻ em gái, cũng như chung tay cùng cộng đồng tìm ra gốc rễ vấn đề của kết hôn trẻ em, bao gồm bất bình đẳng giới, nhạy cảm giới và nghèo đói.
Những định kiến xã hội về vai trò và giá trị của trẻ em gái đã đẩy các em vào tình trạng kết hôn sớm, trong khi nền kinh tế và các hoàn cảnh xã hội đã ăn sâu vào gốc rễ khiến các gia đình ép buộc trẻ em gái phải kết hôn. Điều đó làm tổn thương đến sức khỏe toàn diện về tâm sinh lý của trẻ em gái, đưa các vào các vấn nạn bạo lực, mang thai ngoài ý muốn cũng như bị giới hạn cơ hội học tập và làm việc. Thực trạng này còn hạn chế sự phát triển về kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Bà Bhagyashri Dengle, Giám đốc lâm thời khu vực Châu Á của Plan International cho rằng: “Kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và kết hôn ép buộc là thực trạng xấu ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia nói chung. Với báo cáo này, chúng tôi kêu gọi nhiều hơn những sự đầu tư và thúc đẩy những hành động để chắc chắn rằng kết hôn trẻ em là vấn đề của quá khứ. Đây là thời điểm cấp thiết để nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được và nâng cao hơn nữa để không trẻ em gái nào còn là nạn nhân”.
Các bước tiến có cơ sở bao gồm vận động bởi người trẻ, giáo dục toàn diện về giới và sức khỏe, tương tác cùng các em trai và nam giới nói chung cũng như trao quyền cho trẻ em gái để chắc chắn lựa chọn của từng người được tôn trọng và lắng nghe. Nguyện vọng chính trị và luật pháp được đẩy mạnh là đặc biệt cấp thiết để ngăn chặn kết hôn trẻ em, kết hôn sớm và kết hôn ép buộc, song hành với đó là ủng hộ quyền tự do của các bạn trẻ như một người trưởng thành, có hoặc không, khi nào và kết hôn với ai.
Trên toàn cầu, mỗi năm có 12 triệu trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18. Nếu những hành động bền vững không được thực thi ngay, hơn 150 triệu trẻ em gái sẽ trở thành những cô dâu vào năm 2030.
Tại sự kiện này, hai em Hữu và Tuổi đã đại diện cho trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, lên tiếng về vấn đề kết hôn trẻ em. Em Hữu chia sẻ: "Em và các bạn mong muốn được hiểu hơn về kết hôn trẻ em để không trở thành nạn nhân của vấn đề này. Em cũng mong có nhiều hơn sự giúp đỡ từ Plan, nhà trường và cộng đồng trong việc cung cấp tư liệu truyền thông và tập huấn để góp phần ngăn chặn nạn kết hôn sớm ở Việt Nam".