Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cựu binh Mỹ giữ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang thăm Việt Nam

Vào tháng 6/1970, sau một trận càn của lính Mỹ vào một căn cứ của ta chiến trường Đức Phổ (Quảng Ngãi), trong đống chiến lợi phẩm có một cuốn nhật ký của người nữ chiến sĩ- bác sĩ Đặng Thùy Trâm vừa hy sinh. Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, đã định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thì người phiên dịch đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!".

 

Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã dừng tay trước quyển sổ đầy chữ ấy. Và “ngọn lửa” ấy còn dẫn Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) làm một cuộc hành trình tình nguyện đưa nhật ký của Đặng Thùy Trâm về với gia đình chị…

11 năm trước, vào năm 2005, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sau hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ, đã trở về Việt Nam và được in thành sách. Ngay lập tức,  cuốn sách đã tạo nên một “cơn sốt” trong bạn đọc khi đã in với số lượng hàng trăm ngàn bản.

Cùng với nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, 2 cuốn sách đã tạo nên một hiện tượng xuất bản, gây chấn động xã hội, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến. Cuốn Nhật ký cũng chính là cảm hứng để NSND Đặng Nhật Minh xây dựng bộ phim chính kịch lịch sử “Đừng đốt”. Bộ phim về người nữ liệt sĩ đã giành giải Khán giả bình chọn tại Liên hoan Phim Fukuoka ở Nhật Bản. "Đừng đốt" đã giành giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 16 năm và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng 2010 và là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.

 

Ảnh trong bài một số cảnh trong phim “Đừng đốt”.

Nhưng có chi tiết mà còn rất ít người biết: Năm 1970, sau khi Fredric Whitehurst nhặt được cuốn sổ tay của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, ông đã trao nó cho Carl Greifzu, một lính Mỹ gốc Đức, có vợ là người Việt giữ hộ. Sau 20 năm, nhờ đọc bản dịch tiếng Anh tóm tắt nội dung cuốn nhật ký của vợ mình, nhận được giá trị của di vật đặc biệt ấy, năm 1996, Carl Greifzu quyết định trao lại nó cho Fredric Whitehurst. Nhờ đó, cuốn nhật ký đã có được hành trình để trở về Việt Nam…

Hơn 10 năm qua, có rất nhiều cựu binh Mỹ đã tới Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và đến Hà Nội thăm gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng Carl Greifzu – người đã giữ cuốn sổ tay nhật ký của chị Trâm hơn 20 năm, vẫn chưa có dịp trở lại Việt Nam, kể từ sau năm 1975.

 

Bìa cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Sau gần nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, Carl Greifzu có mặt tại Hà Nội vào ngày 23/3/2016 và ở thăm Việt Nam trong khoảng 10 ngày. Đặc biệt, chuyến đến Việt Nam lần này của ông không chỉ là với 2 tư cách một cựu chiến binh Mỹ thăm lại chiến trường xưa, mà còn là tư cách của một người con về thăm đất quê vợ: (vợ của Carl Greifzu quê ở Bắc Ninh). Ông cũng dự định sẽ tới thăm gia đình và viếng mộ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.