Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Cứu người, "thần y đại gia” sẵn sàng bỏ cả hợp đồng tiền tỷ

Ông Bùi Tùng Mậu theo học nghề thuốc ngay từ tấm bé. Vài năm gần đây, khi đã viên mãn với nghiệp kinh doanh, ông dành nhiều thời gian trị bệnh cứu người theo di nguyện của cha.

 

 

Ông Bùi Tùng Mậu đang trị bệnh cho bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống lưng, cổ.


LTS: Nhờ bài thuốc bí truyền của gia đình để lại, ông Bùi Tùng Mậu đã cứu nhiều người thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo.

Bại liệt, tai biến mạch máu não, thoái hóa sống cổ, lưng, thoát vị đĩa đệm… cùng nhiều bệnh liên quan đến xương khớp khác là những bệnh mà vị đại gia, thầy thuốc này có thể chữa lành.

Điều đặc biệt nữa, ông Mậu chữa bệnh cứu người là để thực hiện “sứ mệnh” giữ gìn nghề thuốc của tổ tiên và cũng là để thỏa nguyện mong muốn làm phúc giúp đời của bản thân mình.

Thầy lang mặc com lê, đeo cà vạt

Hôm sau, sáng thứ bảy, tôi lại quay lại nhà ông Mậu. Thế nhưng, khác với chiều qua, sáng nay nhà ông đông khách hơn. Họ tranh thủ ngày cuối tuần để tìm về đây chữa bệnh.

Trên nhà, ông Mậu ăn vận com lê, cà vạt và đang tất tưởi bắt mạch, thăm khám cho mọi người. Ông bảo, trưa ông có buổi tiếp khách quan trọng nên sáng sớm ông đã tranh thủ đóng bộ để đến giờ hẹn thì đi luôn cho tiện.

Không làm phiền ông thăm khám cho mọi người, tôi đứng vòng ngoài quan sát.

Chỉ bằng tay sờ, nắn ông Mậu đã có thể biết bệnh tình của mọi người. Ông nói trúng phóc người này bị đau ở đâu, tối có thể ngủ được hay không, ăn uống sinh hoạt thế nào.

Ai nghe ông phán bệnh cũng tới tấp gật đầu.

 


Ông Bùi Tùng Mậu, người mặc com lê (bên phải) đang trò chuyện với người bệnh.

Ông Bùi Tùng Mậu, người mặc com lê (bên phải) đang trò chuyện với người bệnh.


Chờ ông thăm khám hết loạt khách chờ, tôi với ông mới bắt đầu cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi cứ diễn ra bập bõm, nhát gừng.

Cứ trao đổi được vài câu thì lại có người đến thăm khám. Không những thế, điện thoại của ông cứ rung liên hồi. Điện thoại ấy phần nhiều là của bệnh nhân ở xa. Họ hẹn ông ngày đến chữa bệnh hoặc nhờ ông tư vấn.

Ông Mậu bảo, nhà ông có nghề thuốc gia truyền. Trước đây, khi tuổi mới lên 7, ông đã được cha mình bắt học nghề thuốc.

“Ngày ấy, các cụ dạy nghiêm lắm, lớ vớ là ăn vọt ngay”, ông Mậu nhớ lại.

Cha ông bắt ông nhận biết các loại cây thuốc theo cách vô cùng… đơn giản. Ngày nào cũng vậy, cứ trước khi ra khỏi nhà tìm thuốc là cha ông lại đổ cả đống thuốc vào chung một mẹt rồi bắt ông ngồi phân riêng ra từng loại.

 


Ông Mậu xây cất phòng ốc sạch sẽ để người bệnh có thể lưu trú.

Ông Mậu xây cất phòng ốc sạch sẽ để người bệnh có thể lưu trú.


Dạy hái thuốc, ông cũng nhiều lần bị cha mình dựng dậy từ tinh mơ, khi cả nhà vẫn còn đang yên giấc. Cha ông bảo, nhiều cây thuốc chỉ có công dụng khi được hái vào lúc mặt trời chưa lên, khi sương đêm còn đọng nguyên trên lá.

Bởi sự chỉ bảo nghiêm khắc trên nên đến năm 16 tuổi ông đã thành thạo nghề thuốc đã được truyền 10 đời của gia đình. Ông Mậu kể, khi ấy ông đã có thể tự khám, chữa bệnh cho mọi người trong vùng.

Vì bệnh nhân sẵn sàng bỏ cả hợp đồng tiền tỉ

Tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Mậu lên đường nhập ngũ. Đất nước im tiếng súng, ông trở về với ước vọng sẽ tiếp tục theo đuổi nghề y.

Tuy nhiên, lúc này, thấy cảnh gia đình khó khăn, ông đã tạm gác mong ước đó lại để tập trung vào phát triển kinh tế gia đình.

“Hồi đó cha tôi còn khỏe, ông vẫn tự mày mò lấy thuốc, trị bệnh cho mọi người được nên tôi cũng có thời gian để làm kinh tế”, ông Mậu nhớ lại.

Quê ông đồng chua nước mặn, đất chật người đông nên chuyện làm giàu như là thách đố. Dân quê ông có nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ nhưng chỉ là làm ăn nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu trong làng, xã nên ông đã lóe lên một ý nghĩ táo bạo.

Ông muốn đưa những sản phẫm gỗ mỹ nghệ đó xuất khẩu ra nước ngoài. Liên Xô chính là trị trường đầu tiên ông chọn.

Dồn tất cả vốn liếng, ông gom thợ giỏi khắp nơi về để sản xuất hàng. Thời ấy, những mẻ hàng chuyển đi đã đem về cho ông hợp tác xã của ông những nguồn thu không nhỏ.

Thắng lớn ở với mặt hàng đồ mỹ nghệ, ông tiếp tục chuyển hướng sang mặt hàng mây tre đan, rồi lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Bây giờ, Công ty Cổ phần tập đoàn Xây dựng và Thương mại Trường Sơn do ông làm lãnh đạo đã trúng thầu nhiều công trình lớn, trọng điểm với kinh phí đầu tư lên đến vài trăm tỉ đồng.

Tối mắt tối mũi với công việc, nhưng ông Mậu bảo, nghề thuốc với ông như duyên nợ. Ông không thể toàn tâm toàn ý với việc kinh doanh nếu lỡ hẹn với… bệnh nhân.

“Trước đây cha tôi còn sống thì tôi được thoải mái bay nhảy, chỉ việc tập trung tới việc làm ăn thôi. Nhưng từ ngày ông mất thì tôi phải dành thời gian cho nghề gia truyền”, ông Mậu tâm sự.

Cũng nhiều khi giữa đêm mới xong việc nhưng dù ở tỉnh xa thì ông vẫn tức tốc về. Tới nhà, chẳng kịp ngó mặt vợ con, ông vội vàng chạy xuống khu khám bệnh để thăm hỏi sức khỏe mọi người.

“Nói thì các anh không tin, nhiều lần thấy bệnh nhân ở nhà gọi dữ quá tôi đã bỏ cả đối tác, cả hợp đồng kinh doanh cho tiền tỉ để "bổ" về đấy!”, ông Mậu chia sẻ.

 

Nơi ông Mậu trị bệnh cho mọi người.
Nơi ông Mậu trị bệnh cho mọi người.

Theo lời ông Mậu, khi nhắm mắt về bên kia thế giới, cha ông đã bảo bằng mọi giá ông phải giữ lấy nghề gia truyền để lại.

“Cứu người, giúp người mới là đích sống của nhà ta con ạ, tiền bạc đôi khi cũng chỉ là phấn hoa thôi”, ấy là những lời cha ông nói trước khi giã biệt cõi đời.

Theo ông Mậu, việc thăm khám, điều trị bệnh ông có thể tranh thủ làm mỗi khi bố trí được thời gian, công việc nhưng việc lấy thuốc, săn lùng thảo dược thì không thể như vậy.

Nghề thuốc gia truyền của gia đình ông đặc trị các bệnh hiểm nghèo như liệt, tai biến mạch máu não, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, đau sống lưng, sống cổ…

Và, để có thuốc đặc hiệu điều trị những bệnh trên thì ông phải mở mạng lưới săn lùng ở khắp mọi nơi. Những vị thuốc đơn giản thì ông có thể thuê người dân kiếm tìm còn những vị thuốc đặc biệt cần hái đúng tuổi, đúng thời khắc thì tự ông phải đi kiếm.

“Nhiều chuyến tôi tự mình vào rừng, đi cả mấy ngày trời ấy chứ. Anh em, đối tác gọi hoài không được họ lại cứ nghĩ tôi bị làm sao”, ông Mậu cười hiền.

Niềm hi vọng của người nghèo và chuyện chữa bệnh cho chính khách

Phòng khách nhà ông Mậu treo kín mít những bằng khen, giấy khen, chứng nhận của các tổ chức, đoàn thể, bộ ngành từ trung ương đến địa phương.

 


Ông Mậu đang trị bệnh cho chính một khách nước Lào (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Mậu đang trị bệnh cho chính một khách nước Lào (Ảnh nhân vật cung cấp).


Cũng trên tường ấy, ở vị trí trang trọng, có treo tấm hình ông Mậu đang xoa bóp, trị bệnh cho một quan chức của chính phủ Lào.

Ông Mậu kể, quan chức ấy cũng bị chứng bệnh thoái hóa đốt sống cổ như nhiều người dân Việt Nam từng mắc. Bệnh chuyển nặng đến độ đi lại khó khăn và cổ thì cứng đơ, không thể xoay qua lại.

Đương nhiên, để điều hành tốt công việc, nhiều bác sĩ đầu ngành ở khắp nơi đã tìm đến chữa trị nhưng bệnh tình của quan chức ấy vẫn chẳng hề chuyển biến.

Được sự “tiến cử” của một cán bộ của chính phủ ta, cuối tháng 9/2013 ông đã sang Lào để chữa bệnh cho quan chức trên.

Ông Mậu kể, sau khi cho “bệnh nhân đặc biệt” ấy sử dụng thuốc bí truyền của gia đình và chỉ với vài chục phút xoa bóp, bấm huyệt thì như có phép nhiệm màu, ông đã khiến cổ của vị quan chức trên cử động một cách dễ dàng.

“Ông ấy mừng lắm, cứ ôm lấy tôi mà nói cảm ơn, cảm ơn”, ông Mậu nhớ lại.

Nói về việc ông Mậu trị bệnh cứu người, ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Minh cho biết, nhà ông Mậu có nghề thuốc gia truyền và ông Mậu chỉ thực sự khám chữa bệnh cho mọi người vài năm trở lại đây.

Ông Dũng cho biết, việc ông Mậu chữa bệnh hoàn toàn là thiện nguyện, thêm nữa, nhiều người đến đây đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu nên chính quyền xã cũng rất ủng hộ.

 


Ông Mậu có nhiều bằng khen, chứng nhận xuất sắc ở nhiều lĩnh vực.

Ông Mậu có nhiều bằng khen, chứng nhận xuất sắc ở nhiều lĩnh vực.


Trò chuyện với ông Mậu, cứ được dăm ba câu là lại phải ngắt ngang câu chuyện. Bệnh nhân người đòi lấy thuốc, người hỏi bệnh tình. Thân tình, niềm nở ấy là cách ông giao tiếp với người bệnh.

“Người ta đến với mình là gửi gắm bao nhiêu hi vọng vậy nên mình không thể phụ lòng, lạnh nhạt được. Hơn nữa, họ đa phần là người nghèo, đến đây đa phần là bệnh hiểm, đã chạy chữa khắp nơi rồi, tốn không biết bao nhiêu mà kể rồi.

Bởi thế, chữa được thì bảo chữa được, đừng để họ khổ thêm. Tôi thì giờ kinh tế đã ổn rồi, tiền không quan trọng nữa, cứu giúp được ai thì cố gắng giúp thôi”, ông Mậu tâm sự.

Thấu hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân nên phần nhiều ông Mậu chữa bệnh không công.

“Chỉ với những loại thuốc đắt, khó kiếm tôi mới thu tiền, còn phần lớn là cho thôi. Với những gia đình có sổ hộ nghèo thì tôi miễn phí toàn bộ, thậm chí giúp đỡ luôn cả tiền ăn ở”, ông Mậu chia sẻ.