8 giờ sáng nay, TAND tỉnh Phú Thọ bắt đầu tuyên án đối với cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Tổng cục Cảnh sát) cùng 2 "ông trùm" Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và 88 bị cáo khác trong vụ đánh bạc ngàn tỉ.
Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương thông báo do bản án dài 400 trang nên không công bố lại nội dung vụ án. Chủ tọa cũng cho biết không yêu cầu các bị cáo ngồi lâu để nghe, một số người sức khỏe không đảm bảo có thể được vào phòng chăm sóc sức khỏe.
HĐXX nhận xét, bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC, một trong ba chủ mưu) đã thành khẩn, thừa nhận việc vận hành đường dây đánh bạc và xin nhận trách nhiệm thay nhân viên. 5 luật sư khi bào chữa cho Dương đã đề nghị HĐXX xem xét tội Rửa tiền và xét các tình tiết giảm nhẹ.
HĐXX đánh giá Phan Sào Nam ăn năn hối cải, nghiêm túc kiểm điểm. Nam có trình độ tri thức cao song do thiếu hiểu biết đã kéo theo nhiều người vướng lao lý. Nam được ghi nhận đã cùng gia đình tích cực nộp hơn 1.000 tỷ đồng thu lời bất chính, đạt hơn 90%. Luật sư của Nam mong tòa xem xét bối cảnh pháp luật còn nhiều lỗ hổng trong kinh doanh công nghệ thông tin vì vậy dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo bản án, ông Phan Văn Vĩnh nhận tội song khai do quá tin tưởng cấp dưới. Tòa ghi nhận ý kiến các luật sư khi bào chữa cho rằng nguyên nhân phạm tội của ông Vĩnh vì cấp dưới Nguyễn Thanh Hóa đã che giấu thông tin, không báo cáo.
Với cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX đánh giá ông không thành khẩn về hành vi phạm tội. Ban đầu, ông Hóa không thừa nhận CNC là công ty bình phong mà cho rằng đó là sự ngộ nhận của Dương cùng nhiều người. Các cuộc đối chất tại tòa với bị cáo Dương cùng các cán bộ công an được triệu tập, đã phủ nhận lời khai của ông Hóa... Tại phần tranh tụng, ông Hóa mới xin lỗi, thừa nhận khai không chính xác và xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo HĐXX, đây là đường dây phạm tội có tổ chức, tổ chức đánh bạc bằng công nghệ cao. Nhóm chủ mưu là Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung. Nhóm bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn, Đỗ Bích Thủy, Kim Thanh Thủy... giúp sức tích cực, thực hiện các chỉ đạo của nhóm bị cáo cầm đầu.
Đây là vụ án quy mô lớn, phức tạp nên các cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc phát hiện đến đâu xử lý triệt để đến đó. Giai đoạn một mới khởi tố hơn 100 người và xét xử 92 bị cáo. Với những người bỏ trốn, chưa xử lý hay thực hiện các hành vi liên quan, tòa không đề cập trong bản án song đây không phải là thiếu sót, bỏ lọt tội phạm mà ở giai đoạn hai cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh đến tòa sáng nay. Ảnh: VnExpress
Bản án nhận định bị cáo Vĩnh đáng lên án hơn các bị cáo khác trong vụ án này. Cựu tổng cục trưởng đã cùng cựu cục trưởng C50 bảo kê cho đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch công ty CNC) và Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC Online) cầm đầu.
Dương giữ vai trò quan trọng nhất trong đường dây đánh bạc, là chủ mưu. Đứng thứ hai là Phan Sào Nam.
*Đầu giờ chiều, trước khi đọc tiếp bản án, chủ tọa thông báo bị cáo Vĩnh phải vào bệnh viện điều trị do sức khỏe không tốt.
Căn cứ kết quả xét xử công khai tại tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, năm tù về tội 5 Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 10 năm tù.
Phan Sào Nam bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 5 năm tù.
Ông Phan Văn Vĩnh bị tòa sơ thẩm tuyên 9 năm tù về Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng về tội danh này, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lĩnh 10 năm tù và bị xử phạt bổ sung 100 triệu đồng.
"Bóng hồng" Lưu Thị Hồng bị tuyên án bằng thời hạn tạm giam, tuyên trả tự do cho Lưu Thị Hồng tại tòa, phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Đối với 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone được hưởng tổng số tiền hơn 1.230 tỷ đồng (Viettel là hơn 913 tỷ; Vinaphone là gần 150 tỷ; Mobifone là hơn 171 tỷ), đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý.
HĐXX xét thấy, cần phải trừ các chi phí hợp lý trước khi buộc nộp lại tiền bất chính. Do đó, Vietel hưởng lợi hơn 913 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone hưởng gần 150 tỷ đồng nhưng chỉ cần nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone hưởng lợi hơn 171 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 15 tỷ đồng.
Trước đó, VKS đã đề nghị 2 ông Vĩnh và Hóa mức án lần lượt từ 7 đến 7,5 năm tù và 7,5 đến 8 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VKS cũng đề nghị 11-13 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, chủ tịch HĐQT CNC, về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; cũng bị truy tố về 2 tội này, cựu chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online Phan Sào Nam bị đề nghị mức 6-7 năm tù.
Đáng chú ý, tại phần xét hỏi của phiên tòa, ông Phan Văn Vĩnh lúc đầu chỉ nhận có lỗi vô ý gián tiếp. Tuy nhiên, sau đó trong phần tranh tụng, ông Vĩnh đã thừa nhận lập luận của VKS là chính xác.
Ông Vĩnh cho biết khởi nguồn của vụ án này là năm 2016, ông đã ký văn bản cho phép CNC triển khai xây dựng mô hình cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội, cho chuyển đổi tiền ảo sang tiền thật. Điều đó đã giúp hợp thức hoá việc đánh bạc núp bóng game bài.
Theo tài liệu điều tra, ông Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận CNC là công ty bình phong của C50, ông còn yêu cầu hằng tháng, quý, năm CNC báo cáo. Tuy nhiên, tại phần xét hỏi tại phiên tòa, ông Hóa khẳng định CNC không phải là công ty bình phong thuộc Bộ Công an. Giữa C50 và CNC "chỉ có bản ghi nhớ" vào năm 2011 và C50 không có trách nhiệm gì với CNC.
Lý giải về việc phản cung, ông Hóa cho rằng khi ở trong trại giam, ông bị bệnh trong lúc mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo do chưa quen với điều kiện giam giữ đã khai những điều trên tại cơ quan điều tra.
Sau khi bị VKS đề nghị mức án và đánh giá ông Hóa không thành khẩn, không ăn năn hối lỗi. Bước vào phần tranh tụng, ông Hóa bất ngờ thay đổi lời khai. "Do sự mất kiểm soát, vượt quá suy nghĩ của mình nên tôi đã nói trái với lời tôi đã khai và trái những việc tôi đã làm"- cựu cục trưởng C50 thừa nhận điều đó đã gây khó khăn đến việc thẩm vấn của HĐXX và đại diện VKS.
Qua đó, ông Hóa mong HĐXX và đại diện VKS thứ lỗi cho ông, ông xin nhận tất cả những việc sai của mình. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông xin HĐXX giảm mức án thấp nhất để sớm trở về chịu tang mẹ, nuôi con nhỏ, vợ bị bệnh nan y.
Sau giờ nghỉ, chiều nay, phiên tòa tiếp tục diễn ra. Cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh không hầu tòa do sức khỏe không tốt.
Theo M.H/giadinh.net.vn