Sau hơn 10 năm du nhập vào Việt Nam, loại hình kinh doanh đa cấp đã từng bước biến tướng với những chiêu thức, mánh khóe hết sức tinh vi, từ bịp bợm đến lừa đảo một cách công khai, trắng trợn, trở thành những cơn bão đa cấp càn quét các làng quê Việt Nam...
Các giai đoạn biến tướng
Xuất hiện tại Việt Nam khoảng những năm 1999- 2000, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ban đầu hoạt động chính là bán hàng mà chủ yếu là thực phẩm chức năng với phương thức dùng người mua sử dụng sản phẩm làm người quảng cáo và giới thiệu bán sản phẩm. Phương thức bán hàng mới mẻ, không mất chi phí vào các dịch vụ như quảng cáo, thuê cửa hàng... đã nhanh chóng thu hút được nhiều người tham gia.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, để bán được nhiều hàng hóa, những người tham gia bán hàng đa cấp đã tuyên truyền, quảng cáo quá sự thật so với tác dụng, giá trị sản phẩm. Như thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ nâng cao thể lực thì quảng cáo thành thuốc trị bách bệnh, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo. Đây chính là giai đoạn biến tướng đầu tiên của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.
Ở giai đoạn tiếp theo, từ khoảng những năm 2004-2005, các đối tượng bán hàng đa cấp bất chính bắt đầu xây dựng mô hình kinh doanh hình kim tự tháp nhằm phát triển nhanh hệ thống, trong đó lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới.
Các chiêu trò xuất hiện như thổi phồng sản phẩm; nâng giá sản phẩm cao gấp nhiều lần; chiết khấu cao cho hệ thống để đánh vào lòng tham; đề ra các quy chế để trói buộc người tham gia vào hệ thống như phải mua hàng, mua mã...; tổ chức các cuộc hội thảo rầm rộ, lôi kéo một số nhân vật nổi tiếng tham gia, diễn thuyết để tạo niềm tin, sử dụng đội quân “cò mồi” để dụ người kém hiểu biết nhằm khai thác đặc tính đám đông của người dân. Giai đoạn biến tướng thứ hai này là sự pha trộn giữa bịp bợm và dấu hiệu lừa đảo manh nha.
Từ những năm 2010-2011 đến nay, hoạt động lừa đảo của đa cấp biến tướng ngày càng phát triển và “biến thể” với các chiêu thức tinh vi, bẫy người tham gia cũng như đối phó với cơ quan chức năng như: Kinh doanh đa năng cả hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tài chính; xuất hiện hiện tượng các nhân vật nòng cốt của đa cấp biến tướng tách ra thành các doanh nghiệp độc lập, có cả người nước ngoài tham gia, sử dụng chiêu thức mạo danh, những chiêu trò choáng ngợp khiến người dân sa vào mê trận.
Các nạn nhân của đa cấp Liên kết Việt trình báo tại cơ quan Công an. |
Quá trình hoạt động, các đối tượng có sự nghiên cứu, rút kinh nghiệm để hướng dẫn cách che giấu, đối phó cho hệ thống; số cầm đầu chóp bu chuẩn bị sẵn phương án tẩu thoát khi có dấu hiệu “vỡ hệ thống”. Càng về sau, các doanh nghiệp đa cấp biến tướng càng phát triển mạng lưới một cách rầm rộ ở phạm vi rộng lớn, xâm nhập sâu rộng tới nhiều địa phương tạo thành những cơn bão đa cấp càn quét các vùng quê khiến người dân điêu đứng. Giai đoạn này, hoạt động lừa đảo của đa cấp biến tướng gần như ngang nhiên, công khai, cướp đoạt trắng trợn tài sản của những người tham gia.
Điển hình như vụ Công ty cổ phần Tâm Mặt Trời trong thời gian hoạt động từ 2009 đến 2012, bằng thủ đoạn bán gian hàng ảo trên mạng đã thu về trên 121 tỷ đồng, trong đó dàn lãnh đạo công ty chiếm đoạt khoảng trên 9 tỷ đồng. Đến tháng 5/2011, Nguyễn Tuấn Minh - Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc của Tâm Mặt Trời đã tách ra thành lập Công ty CP mua bán trực tuyến (MB24) với thủ đoạn lừa đảo tương tự, cùng dàn lãnh đạo chóp bu của MB24 thu về 631 tỷ đồng, trong đó “bỏ túi” trên 30 tỷ đồng.
Thế nhưng chỉ vài năm sau, trong vụ Công ty CP Liên kết Việt lừa đảo đa cấp, có tới trên 60.000 người dân bị rơi vào bẫy của đa cấp lừa đảo với con số thiệt hại lên tới trên 1.900 tỷ đồng.
Lòng tham khiến nhiều người tự nguyện trở thành nạn nhân
Câu hỏi đặt ra là đã có quá nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng sau mỗi vụ việc đa cấp lừa đảo được khám phá; nhưng vì sao hoạt động đa cấp lừa đảo vẫn tiếp tục phát triển với con số bị hại và thiệt hại ngày càng lớn?
Trong một buổi làm việc với các nạn nhân của Liên kết Việt tại Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, chúng tôi đã đặt câu hỏi: Trước khi trở thành nạn nhân, họ có được nghe thông tin, có biết và có được cảnh báo về các vụ kinh doanh đa cấp lừa đảo không? Tất cả đều có chung một câu trả lời: Biết nhưng cuối cùng vẫn mắc bẫy!
Vì sao lại như vậy?
Bà Nguyễn Hải Vân, 60 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể, do đã đọc và nghe thông tin về các vụ đa cấp lừa đảo nên bà rất dị ứng với 2 từ “đa cấp”. Ấy vậy mà chỉ một buổi gặp cô hàng xóm ở chợ thôi, bà đã bị lôi kéo vào Liên kết Việt như có “ma xui quỷ khiến”. Cô hàng xóm tên Chung, sau này bà mới biết là một “đại lý” của Liên kết Việt sau vài câu hỏi thăm xã giao khoe với bà rằng đang làm việc cho một công ty bảo hiểm.
Biết bà Vân không có lương hưu nhưng có tiền tiết kiệm, Chung tư vấn bà Vân nên mua một gói bảo hiểm để được chi trả một khoản hằng tháng giống như lương, lại cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Rồi Chung kéo tay bà Vân nói: “Cô đi cùng cháu lên chỗ này hay lắm”.
Cứ nghĩ Chung đưa đến chỗ công ty bảo hiểm, nào ngờ cô ta đưa thẳng đến trụ sở chính của Liên kết Việt tại tầng 4 tòa nhà 29T1 Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dẫn vào hội trường lớn đang có rất đông người chăm chú lắng nghe Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà) đang thao thao bất tuyệt tuyên truyền về tập đoàn BQP chuyên kinh doanh thuốc và các thiết bị y tế.
Theo như lời Lê Xuân Giang thì nếu mua 1 mã sản phẩm 8,6 triệu đồng thì được ngay một cơ số thuốc giá trị bằng 8,6 triệu đồng, hằng tháng được lĩnh 126.000 đồng x 2 là tiền hoa hồng, chi trả vào đầu tháng và giữa tháng. “Thuốc thì các bác mang về uống, hằng tháng lại có lãi. Các bác đến đây không mất gì mà lại được” - Lê Xuân Giang kết luận.
Bà Vân cho biết, nghe cách Lê Xuân Giang quảng bá, bà chột dạ nghĩ: “Thôi chết, chỗ này là đa cấp rồi”. Song nghe tên tập đoàn BQP, lại thấy ảnh của Lê Xuân Giang mặc trang phục quân đội đứng cạnh nhiều vị lãnh đạo cấp cao treo đầy trên tường, bà lại thấy vững tâm, tiếp tục ngồi lại theo dõi tiết mục bốc thăm trúng thưởng.
Thật kỳ diệu khi chỉ 10 người được xướng tên trúng thưởng, trong đó có bà Vân với phần thưởng là 2 hộp thuốc đông trùng hạ thảo trị giá 1,7 triệu đồng. Còn cô Chung, người dẫn bà Vân đến đây thì hét toáng lên bởi phần thưởng của cô ta là nửa chỉ vàng. Chung đeo vàng vào tay, mắt long lanh nhìn bà Vân bảo: “Cô thấy chưa, hôm nay cô có lộc lắm đấy. Cháu nhìn thấy có chữ tiền dán trên trán cô. Hôm nay mà cô không mua hàng luôn thì phí mất cái lộc”.
Mạo danh quân đội, tổ chức các chương trình hoành tráng, lôi kéo cả cán bộ cao cấp tham gia, Lê Xuân Giang (ngoài cùng bên trái) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên kết Việt đã lừa đảo nhiều người dân. |
Phấn khởi vì bỗng dưng được không 2 hộp thuốc đắt tiền, từ đó bà Vân đi theo Chung như một cái máy. Cô ta chở bà đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mua ngay 17 mã sản phẩm tương đương gần 150 triệu đồng là khoản tiết kiệm tích cóp cả đời của bà Vân để dưỡng già. Thế nhưng từ đó đến nay, bà Vân chỉ được lĩnh 2 lần tiền hoa hồng rồi thôi.
“Đỉnh cao” của “nghệ thuật” lôi kéo đông người tham gia của Liên kết Việt phải kể đến cái gọi là “Chương trình hoa hồng đại thắng” được tổ chức vào đầu năm 2015. Theo đó, khi đăng ký mua 1 mã sản phẩm trị giá 8.6 triệu đồng, ngoài sản phẩm được nhận, khách hàng sẽ được nhận thêm khoản “hoa hồng đại thắng” lên tới 35.560.000 đồng, nhưng không được nhận bằng tiền mặt mà tính vào mã tái hưởng.
Cùng với các hành vi lừa đảo khác như làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mạo nhận Công ty Liên kết Việt thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức các chương trình trao thưởng bằng hiện vật ô tô, xe máy hấp dẫn, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị khách hàng... thì “Chương trình hoa hồng đại thắng” như một cú đòn đánh trúng, đánh mạnh vào lòng tham, sự cả tin của một bộ phận người dân. Từ đó làm nên “thành công” của Lê Xuân Giang, kẻ được đánh giá là số 1 từ trước đến nay trong các vụ đa cấp biến tướng lừa đảo khi chỉ trong vòng hơn 1 năm, con số thiệt hại của Liên kết Việt gây ra cho người dân đạt kỷ lục là trên 1.900 tỷ đồng và khoảng 60.000 người trở thành nạn nhân.
Làm việc tại Cơ quan công an, những nạn nhân của Liên kết Việt dù rất đau khổ, ngậm ngùi vì mất tiền nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính lòng tham đã khiến họ mờ mắt, để rồi tự đưa chân vào bẫy đa cấp biến tướng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao đa cấp biến tướng lừa đảo vẫn còn “đất” hoạt động. Sự thiếu hiểu biết, hiệu ứng đám đông, a dua a tòng của một số người dân và lòng tham đã khiến họ tự nguyện làm nạn nhân và trở thành đồng bọn tích cực của hoạt động đa cấp bất chính.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân vô cùng quan trọng là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật. Phát hiện chậm, buông lỏng quản lý, không cảnh báo cho người dân, thiếu trách nhiệm, thậm chí có yếu tố tiêu cực từ các cơ quan này đã khiến cho đa cấp biến tướng lừa đảo lộng hành và trở thành “những kẻ cướp” tinh vi, lắt léo.
Cần một môi trường lành mạnh
Sau những tổn hại nặng nề do đa cấp biến tướng nói chung và Liên kết Việt nói riêng gây ra cho người dân và xã hội, Bộ Công thương - cơ quan quản lý, cấp phép kinh doanh đa cấp mới có những động thái tích cực hơn trong kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo đó, trong tháng 3/2016, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương ra quyết định thu hồi giấy đăng ký kinh doanh của 4 công ty kinh doanh đa cấp; đồng thời tiến hành kiểm tra hoạt động tại 7 công ty đa cấp gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Việt Nam, Công ty CP Liên kết tri thức, Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long. Cuộc kiểm tra này chưa kết thúc, song dư luận một lần nữa lại hồ nghi vào việc quản lý, cấp phép của các cơ quan chức năng khi báo chí lật tẩy Vũ Ngọc Thuyển - “trùm sò” lừa đảo cầm đầu đường dây đa cấp MB24 trước đây tại Bắc Giang, bị TAND tỉnh tuyên phạt 4 năm tù nhưng trong thời gian khởi tố tại ngoại vẫn được cấp phép trở thành một trong những sáng lập viên của công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet).
Đáng chú ý, Công ty Vietnet cũng đã gây ra những lùm xùm và bức xúc trong dư luận bởi rất nhiều sinh viên đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo khi bị các đối tượng lôi kéo tham gia vào mạng lưới.
Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, văn phòng luật sư Bình An - Đoàn luật sư TP Hà Nội, để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết, cần tạm dừng việc cấp phép để chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh đa cấp. Tổ chức kiểm tra tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và xử lý nghiêm các vi phạm cả về hành chính, kinh tế và pháp luật.
Kết quả thanh kiểm tra cần được công bố công khai cho nhân dân biết. Quản lý và giám sát, buộc các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp giải quyết quyền lợi cho người dân như lĩnh lợi nhuận, xin rút tiền, trả lãi hằng tháng... Sửa đổi các văn bản pháp quy phù hợp, kịp thời bịt kẽ hở tội phạm lợi dụng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, trách nhiệm của cả doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cung cấp cho kinh doanh đa cấp. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh khác kinh doanh truyền thống, quản lý và đảm bảo chất lượng hàng hóa sản phẩm kinh doanh đúng như công bố.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm việc cán bộ, đảng viên có liên đới và giúp sức cho tội phạm hoạt động đa cấp lừa đảo nhằm mang lại niềm tin cho người dân về một môi trường kinh doanh lành mạnh.