Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 09 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.
Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11 hằng năm.
Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch COVID-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...
Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Các địa phương chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.