Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đã đến lúc hợp thức hóa việc lobby ở nghị trường?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Nguyễn Đình Quyền đề nghị như vậy khi tham gia thảo luận về Dự thảo Nội quy kỳ họp trong phiên họp sáng 14/11. Theo ông Quyền, dù chưa có quy định về lobby nhưng việc vận động hành lang vẫn diễn ra vì đó là một tất yếu trong hoạt động chính trị.

 

Gỡ cảnh “sáng cắp ô đi, tối cắp về”

Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), thời gian qua QH đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình, nhưng một số phiên họp vẫn nặng về tính hội nghị, chủ yếu nghe báo cáo, tờ trình, rất ít tranh luận, tạo sự nhàm chán, mệt mỏi cho ĐB. Do đó, QH cần phải cải tiến để tăng tính tranh luận, thậm chí có thể bố trí thêm thời gian để thảo luận chung trước khi xin ý kiến đại biểu, nhằm làm sáng rõ những nội dung đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, thảo luận của QH đang hành chính hóa theo kiểu, khi không còn ý kiến thảo luận, dư giờ thì về nghỉ. Và cứ tới 5h chiều, dù còn việc thì vẫn cứ phải nghỉ. “Cách làm việc như thế giống như công chức sáng xách ô đi, tối xách ô về. Rất khó trả lời được thắc mắc của cử tri đối với việc nghỉ sớm? Rất hành chính”, ông Lịch than. Ông Lịch đề nghị cần phải có những thay đổi theo hướng tăng tính tranh luận tại nghị trường để ĐB biết bên nào đúng bên nào sai mà ủng hộ. “Chúng ta có nhiều vấn đề, QH đã biểu quyết nhưng vẫn tâm tư. Chúng ta hành chính hóa, cứ quy định 7 phút, 3 phút, 2 phút, 1 phút và xếp hàng thế này thì vô cùng khó”, ông Lịch nói.

Dẫn lại ý kiến nhận xét của cử tri rằng: “QH phát biểu hay lắm nhưng giống như chúng em đi xem ca nhạc, các nghệ sỹ hát cùng một bài. Cho nên nghe một lúc là thôi tắt ti vi vì biết chắc bác sau phát biểu như thế nào”, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị bổ sung vào Dự thảo các quy định để nâng cao tính chất tranh luận tại nghị trường. Ví dụ một ĐB muốn tranh luận lại thì có thể bấm một nút khẩn cấp để phát biểu lại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết, đã đến lúc QH cần hợp thức hóa việc vận động hành lang. Ảnh: Như Ý.


Ủng hộ quan điểm trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, trong các phiên thảo luận, QH cần dành 1/3 thời gian để tranh luận sau phần phát biểu tuần tự theo đăng ký. Khi đó ĐB cần tranh luận cứ bấm nút tranh luận và không quy định số lần tranh luận. Tranh luận khi nào hết thời gian thì thôi. “Khi ĐB tranh luận nhiều như vậy sẽ giúp cho các ĐB khác có thêm các thông tin, chắt lọc được vấn đề, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn”, bà Tâm nói.

Hợp thức hóa Lobby để minh bạch, công khai

Đề cập đến việc vận động ở bên ngoài hành lang nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn cho rằng, lâu nay vẫn có. Thực tế để đảm bảo sự minh bạch về vận động hành lang, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật về vận động hành lang và gọi là lobby. Tuy nhiên ở ta lại chưa quy định về việc này. “Dù chúng ta có quy định hay không quy định thì đây là một tất yếu trong hoạt động chính trị. Do đó, tôi nghĩ rằng cũng đến lúc chúng ta phải hợp thức hóa về vận động hành lang. Có hợp thức hóa mới đảm bảo sự minh bạch, công khai và trong sáng trong việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân”, ông Quyền thể hiện quan điểm.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị nên nghiên cứu quy định việc công khai danh tính ĐB biểu quyết ở nghị trường để cử tri và nhân dân giám sát. Theo ông Quyền, đây là vấn đề mà các nước trên thế giới đã làm rất nhiều nên cử tri đều biết rõ ĐB nào đồng ý, không đồng ý. Qua đó giúp ĐB thể hiện rõ quan điểm và chịu trách nhiệm trước cử tri về quyết định biểu quyết của mình. “Chúng ta có thay đổi thì mới thể hiện được bản lĩnh của ĐB QH. Chứ nếu bây giờ chúng ta bấm nút mà không thể hiện danh tính, thì rõ ràng nhân dân, cử tri không thể biết quan điểm của ĐB thế nào”, ông Quyền nói.

ĐB Trần Du Lịch cũng cho rằng, rất khó để cử tri biết được ĐB biểu quyết theo phương án nào, có biểu quyết hay không. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng có thể đưa vấn đề này vào Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó quy định rõ,  bấm nút tức là công khai. Nếu cử tri muốn biết ĐB biểu quyết thế nào thì cơ quan thông tin QH phải cung cấp, vì đó là quyền tiếp cận thông tin của cử tri.

Khẳng định, việc biểu quyết công khai danh tính thì nghị viện nhiều nước trên thế giới đã làm, nhưng Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, đối với QH Việt Nam thì đây lại là vấn đề rất mới. Theo giải thích của ông Lưu, hiện có hai loại là biểu quyết công khai và biểu quyết kín. Biểu quyết công khai thì có hai hình thức là giơ tay và biểu quyết trên bảng điện tử; còn lại là biểu quyết bằng phiếu là kín.

“Dù chúng ta có quy định hay không quy định thì đây là một tất yếu trong hoạt động chính trị. Do đó, tôi nghĩ rằng cũng đến lúc chúng ta phải hợp thức hóa về vận động hành lang. Có hợp thức hóa mới đảm bảo sự minh bạch, công khai và trong sáng trong việc thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền