Mưa kéo dài cả ngày lẫn đêm khiến lượng du khách đổ về Đà Lạt sụt giảm. Du khách và người dân địa phương ngại ra đường nên taxi, xe ôm, grabbike có phần ế ẩm. Có tài xế tâm sự cả ngày chỉ chạy được đôi ba “cuốc”.
Tình hình giao thông trên các cung đường cửa ngõ ra vào thành phố và khu vực trung tâm phố núi Đà Lạt khá thông thoáng, trái ngược với cảnh ùn tắc kéo dài trong các dịp lễ trước.
Tại các khu du lịch nổi tiếng như núi Lang Biang, vườn hoa Đà Lạt, Thung lũng tình yêu, thác Datanla, thác Prenn và các điểm du lịch canh nông, lượng khách chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Phương tiện vận chuyển đa phần là xe con, lượng xe khách loại lớn thưa vắng nên không xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Các dịch vụ như xe ngựa, đạp vịt, chèo thuyền ngắm cảnh ở các hồ nước và khu vực xung quanh ế khách.
Trái ngược với hình ảnh đông nghịt người chen chúc thường thấy trong dịp lễ trước, những ngày qua, rất ít bạn trẻ check in ở những điểm ưa thích như khu vực quảng trường Lâm Viên, cầu thang chợ lầu Đà Lạt, Vườn hoa cẩm tú cầu tại công viên Trần Hưng Đạo…
Nhiều khách sạn, nhà nghỉ vẫn treo bảng “còn phòng”. “Phải down giá tối đa để thu hút khách, giá phòng lưu trú tăng không đáng kể so với ngày thường. Giá phòng 2 giường chỉ 400 - 500 ngàn đồng”, chị Phương Thu, chủ một khách sạn hạng sao trên đường Ba Tháng Hai, tuyến phố trung tâm của Đà Lạt cho biết.
Giới kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng bị hố to khi chuẩn bị một lượng lớn thực phẩm, nhất là đặc sản Đà Lạt để chế biến, mua bán trong dịp lễ này. Chị Liên, chủ một quán ăn ở chợ Đà Lạt cho biết: "Dịp lễ 30/4 vừa rồi, quán ăn của chúng tôi phục vụ không kịp thở, có lúc khách phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ mới được phục vụ thức ăn, còn dịp lễ 2/9 này, khách chỉ nhỉnh hơn một ít so với ngày thường."
Đà Lạt có hơn 1.400 cơ sở lưu trú du lịch với 20,9 ngàn phòng, 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí...
Đây là dịp nghỉ lễ hiếm hoi mà phố núi Đà Lạt quay trở về với nhịp sống chậm, bình yên, thơ mộng vốn có.