Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, có 32 người điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng; 5 người tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi; Trung tâm y tế Hòa Vang: 174 người và Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ: 20 người.
Cập nhật tình hình tiếp nhận, điều trị các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm ở huyện Hòa Vang, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 10h sáng nay (11/5), đã có 164 người được cho xuất viện. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị đều ổn định, không có ca chuyển biến nặng.
Trước đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, từ chiều tối ngày 7/5 đến sáng ngày 8/5, đã có 133 người trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, đau đầu, buồn nôn, nôn, đại tiện lỏng nhiều lần.
Qua điều tra ban đầu, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng ghi nhận, thức ăn nguyên nhân nghi ngờ là các món ăn chay tự chế biến tại các hộ gia đình; nguyên liệu làm các món ăn này chủ yếu được chế biến từ thực vật, mua tập trung chủ yếu tại một số hộ ở chợ Túy Loan, xã Hòa Phong thuộc huyện Hòa Vang.
Các nguyên liệu mà người dân mua về chế biến món ăn cho gia đình đa số là chả cây, chả đòn, nem, ram (các món này có thể ăn trực tiếp, không qua nấu hay chế biến lại) và đậu khuôn. Bữa ăn nguyên nhân nghi ngờ là bữa trưa và tối của ngày 7/5.
Điều tra nơi bán hàng tại chợ Túy Loan cho thấy: đậu khuôn, chả đòn, nem là do một cơ sở nơi khác sản xuất và cung cấp cho hộ kinh doanh tại chợ; còn lại một số chả cây và ram là do một hộ kinh doanh tại chợ tự chế biến và bán cho người dân trong vùng.
Ngay trong tối 7/5, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, kiểm tra; khoanh vùng các nơi kinh doanh tại chợ, nơi đã cung cấp thực phẩm nghi ngờ nêu trên và lấy 18 mẫu tại các gia đình, cũng như nơi cung cấp nguyên liệu để xét nghiệm tìm nguyên nhân.