“Khuyến mãi” chế độ ưu đãi.
Không đủ điểm cho con vào học đại học công lập, chị Nguyễn Vy Oanh, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng đành chấp nhận cày cuốc vất vả hơn để sau này con có tấm bằng đại học dù là tư thục, bởi theo chị “đại học còn chưa chắc xin được việc làm, nói gì đến trung cấp, cao đẳng.”
Không chỉ chị Oanh, gia đình chị Phan Thị Nhàn, quận Hải Châu cũng không đắn đo nhiều khi quyết định cho cậu con trai đầu theo học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Đông Á. “Giờ muốn xin vào đâu cũng phải có bằng đại học, tư thục cũng là đại học, nếu cháu học hành tốt, ra trường khả năng xin việc cao hơn là trung cấp, cao đẳng”, chị Nhàn chia sẻ.
Tư vấn học nghề tại Chợ việc làm Đà Nẵng
Tư tưởng chuộng bằng cấp, trình độ đang khiến cho không ít trường trung cấp, cao đẳng hay dạy nghề tại Đà Nẵng rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa vì sinh viên quá ít, thu không đủ chi. Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đức Minh là một ví dụ, đã đóng cửa gần 3 năm nay do không có người học.
Để tồn tại trong thời kỳ “đỏ mắt” ngóng sinh viên, nhiều trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải sử dụng cả biện pháp “khuyến mãi” ưu đãi để lôi cuốn sinh viên vào học.
Trường trung cấp nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng cho biết, với chỉ tiêu 1.000 học viên nhưng trường chỉ tuyển được khoảng 700 em (gần 500 em là bộ đội xuất ngũ). Đây là sự nỗ lực không hề nhỏ của nhà trường trong việc tuyển sinh, trong đó phải kể đến hiệu ứng từ việc thực hiện nhiều chế độ ưu đãi như bố trí chỗ ở miễn phí cho bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách, ký túc xá cho học viên ở xa, giảm học phí, giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi ra trường… mới thu hút được sinh viên vào học. Hay tại Trường cao đẳng Đức Trí, dù chỉ tiêu tuyển sinh lên tới hơn 1.000 em, nhưng số lượng người đăng ký chỉ dừng lại ở con số vài trăm.
Thực trạng các trường cao đẳng, trung cấp hay dạy nghề khó tuyển sinh không chỉ bây giờ mới diễn ra mà đã tồn tại từ nhiều năm trở lại đây. Với những chế độ ưu đãi hấp dẫn người học, cam kết có việc làm sau khi ra trường, không ít trường thuộc nhóm này vẫn không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của bài toán khó mỗi khi mùa tuyển sinh về.
Chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học quá nhiều
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút học nghề hay vào các trường trung cấp, cao đẳng tại địa phương gặp nhiều khó khăn là do chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học quá nhiều, trong khi thời gian tuyển sinh cũng kéo dài hơn. Bên cạnh đó, một số trường đại học mở thêm các ngành, nghề hệ trung cấp, cao đẳng nên đã thu hút một lượng lớn học sinh vào học.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng “Công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT vào học nghề, trung học chuyên nghiệp hay cao đẳng hiện nay còn nhiều bất cập, thậm chí rất khó thực hiện bởi chưa có một cơ chế ưu tiên, đãi ngộ hay khuyến khích nào mang tính đột phá”
Ông Dũng dẫn chứng, trong năm 2013, toàn TP. Đà Nẵng có 10.033 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt 98,8%), thế nhưng chỉ có 592 em vào học tại các cơ sở đào tạo nghề, tức đạt 5,9%. Gần đây nhất là năm 2014, thành phố có 11.298 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt 99,1%), tuy nhiên cũng chỉ có 5,4%, tương ứng 615 em lựa chọn học nghề, một con số quá thấp.
Nói như đại diện của Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, hiếu học là chuyện tốt, tuy nhiên nếu nhà nhà bằng mọi giá phải cho con em mình vào đại học thì việc thừa thầy thiếu thợ sẽ là chuyện tất yếu và hệ quả là người lao động không có việc làm vẫn thất nghiệp, trong khi không ít doanh nghiệp lại đang phải đỏ mắt tìm nhân công.