Theo đó, Đà Nẵng phấn đấu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 500/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 400/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống dưới 12/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 10/100.000 vào năm 2030. Hằng năm giảm 15% số trẻ em tử vong và 10% số trẻ em bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Giảm 25% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Đồng thời, phấn đấu 80% các hộ gia đình có trẻ em được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; 100% trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; lựa chọn, xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Mặt khác, Kế hoạch cũng chú trọng công tác truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Phấn đấu 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030; 100% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học biết bơi an toàn và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và duy trì đến năm 2030. 75% trẻ em THCS học biết bơi an toàn và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 85% vào năm 2030. 100% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp thành phố, quận, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Phấn đấu 100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 và duy trì đến năm 2030; 100% quận, huyện, xã, phường triển khai thu thập thông tin, đữ liệu về tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai chương trình hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi an toàn cho trẻ em.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Đà Nẵng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; truyền thông, giáo dục vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Bên cạnh đó, thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hiện kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ; nâng cao nâng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành và đoàn thể. Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, phòng ngừa tai nạn giao thông trẻ em, phòng ngừa ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, phòng ngừa trẻ em tự tử.
UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, hội, đoàn thể, UBND các quận, huyện, các cơ quan, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch.