Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đà Nẵng đẩy mạnh tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh, thu hút tuyển sinh học nghề, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN…

Thành phố đặt mục tiêu tiêu đến năm 2030 có 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN…

Thành phố đặt mục tiêu tiêu đến năm 2030 có 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN…

Đa dạng hoá hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh

Là một trong những trường có vị trí đầu trong công tác đào tạo nghề tại TP Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng có quy mô đào tạo gần 4.000 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng sư phạm nghề cho giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên.

Trong khi không ít trường đào tạo nghề phải loay hoay trước bài toán tuyển sinh, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng tuyển sinh hằng năm luôn vượt kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, bên cạnh chất lượng đào tạo, việc đa dạng hoá hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh có vai trò hết sức quan trọng.

“Ngay từ đầu năm, trường đã chủ động liên hệ đến các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Đà Nẵng, cũng như các tỉnh lân cận để cập nhật thông tin tuyển sinh và tư vấn tuyển sinh nhằm giúp truyền tải các thông tin về ngành nghề đào tạo, chính sách nhập học đến với phụ huynh và học sinh, thông qua các kênh trực tuyến như: Website, Facebook, Google, Zalo.

Đặc biệt, trong những năm qua, các trường trung học phổ thông trên địa bàn còn giúp nhà trường thông tin đến học sinh cũng như phụ huynh trong các giờ định hướng, chào cờ hàng tuần hay các buổi họp phụ huynh sau các kỳ học… Qua đó, các em đã nhận thức về giáo dục nghề nghiệp, hiểu và chọn ngành nghề phù hợp với bản thân”, ông Thảo cho biết.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, tính đến nay, thành phố có 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Quy mô tuyển sinh của các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là hơn 74.680 học sinh, sinh viên với 286 ngành, nghề đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo khác nhau. Trong đó, quy mô trình độ cao đẳng hơn 13.000 sinh viên ở 92 ngành, nghề; trình độ trung cấp hơn 8.550 học sinh của 84 ngành, nghề và trình độ sơ cấp hơn 25.200 học viên của 146 ngành, nghề.

Để tuyển sinh học sinh, sinh viên học nghề, bà Hồ Thị Ánh Vân, Trưởng phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, ngay từ đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh ở các cấp trình độ; liên thông, liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…

Theo đó, năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển mới 31.686 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng gần 5.770 sinh viên; trình độ trung cấp hơn 3.720 học viên; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng gần 22.200 học viên.

Học sinh Đà Nẵng tham gia Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Học sinh Đà Nẵng tham gia Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề thương mại dịch vụ chiếm chủ yếu với 70,26%, quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề công nghiệp xây dựng chiếm 28,57% và quy mô tuyển sinh đào tạo thuộc nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 1,17%.

Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng phấn đấu tuyển mới 35.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng 6.500 sinh viên; trình độ trung cấp nghề 3.500 học sinh, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 25.000 người.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, cùng với công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện để triển khai kế hoạch thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn thành phố".

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch của thành phố, đặc biệt là đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 6 ngành mũi nhọn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra giáo dục nghề nghiệp để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo, tăng cường chất lượng cho công tác giáo dục nghề nghiệp…

Được biết, theo Kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND TP Đà Nẵng, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.

Thành phố phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thành phố phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

TP Đà Nẵng cũng phấn đấu có 2 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN.

Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của các nước phát triển, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo...