Theo đó, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các quận, huyện triển khai kịp thời việc mua và cấp 45.272 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. Quận Ngũ Hành Sơn cũng trích "Quỹ an sinh xã hội" mua 131 thẻ bảo hiểm y tế cho người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố hỗ trợ miễn giảm viện phí cho 233 người nghèo, phụ nữ nghèo tại Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung bướu và hỗ trợ chữa bệnh cho 46 phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh tại cộng đồng với tổng số tiền 340 triệu đồng; thăm và hỗ trợ phẫu thuật tim cho 57 em…
Đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, thành phố đã thực hiện hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 6.399 em, với kinh phí 2.079 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 7.117 học sinh với kinh phí 2.975 triệu đồng. Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ học bổng cho 445 em, kinh phí 859 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ cho 20 em học sinh hộ nghèo vượt khó, học giỏi…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiến hành rà soát hộ nghèo có đất ở ổn định, nhà ở xuống cấp có nhu cầu xây mới, sửa chữa năm 2019. Qua đó, đã vận động hỗ trợ xây mới 73 nhà với kinh phí 2.825 triệu đồng, sửa chữa 132 nhà với kinh phí 2.405 triệu đồng. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 14.982 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 4,4 tỷ đồng.
Giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các địa phương đã triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo học nghề, giới thiệu việc làm như: triển khai khảo sát nhu cầu học nghề, cho vay vốn giải quyết việc làm, tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng giới thiệu việc làm tại các phiên giao dịch việc làm di động và các phiên chợ việc làm định kỳ hằng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng. Huyện Hòa Vang cũng hướng dẫn các xã khảo sát nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, phối hợp tổ chức 5 lớp dạy nghề cho 143 người. Đặc biệt đã tổ chức đưa 311 lao động nông nghiệp sang tu nghiệp tại quận Yeongyang - Hàn Quốc, qua đó tạo việc làm ổn định, thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người khi về nước, đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân. Các mô hình "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", mô hình "Tổ giúp việc gia đình"... được duy trì đã giúp nhiều người có việc làm, ổn định cuộc sống.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2019, thành phố triển khai các chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn mới tại Nghị quyết số 195/2018/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, áp dụng trong 2 năm 2019 - 2020. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố khu vực thành thị là 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống hoặc trên 1.500.000 đồng/tháng đến 1.900.000 và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường tiếp cận các dịch cụ xã hội cơ bản trở lên. Đối với khu vực nông thôn là 1.300.000 đồng/người/tháng trở xuống hoặc trên 1.300.000 đồng/người/tháng đến 1.600.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường tiếp cận các dịch cụ xã hội cơ bản trở lên. Toàn thành phố hiện có 14.983 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,53%/ hộ dân cư (với 11.675 hộ nghèo còn sức lao động), trong đó có 4.836 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương). Hộ cận nghèo có 6.395 hộ, chiếm tỷ lệ 2,36%/ dân cư.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo trong 2 năm 2019 - 2020 và các văn bản hướng dẫn; các địa phương cũng đang tập trung các giải pháp nhằm hoàn thành việc phê duyệt công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố, Trung ương để thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình giảm nghèo; xây dựng và nhân rộng mô hình, phương pháp giảm nghèo hiệu quả để giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương…