Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý

Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Theo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), toàn thành phố hiện có 460 người đang quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú, trong đó có 302 người có việc làm, chiếm 65,6%.

Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng; được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất, được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện để người sau cai ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.

Hàng tháng, các địa phương đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Cuối quý, Ban chỉ đạo xã, phường cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tiến hành họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.

Tại quận Hải Châu, UBND các phường còn duy trì hoạt động của câu lạc bộ sau cai, sinh hoạt mỗi tháng 1 lần. Qua các buổi sinh hoạt, UBND phường đối thoại với các đối tượng để nắm bắt tình hình kinh tế gia đình, việc làm và nhu cầu hỗ trợ phương tiện sinh kế làm ăn…

Đặc biệt, để động viên, khuyến khích người sau cai nghiện ma tuý tránh xa tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống, nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng còn thực hiện hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ người.

Theo đó, hằng năm, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều chỉ đạo UBND xã, phường tiến hành rà soát và lập danh sách người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy; Công an tiến hành thử test và tham mưu Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã, phường tiến hành họp xét từng trường hợp; các trường hợp địa phương đánh giá tốt thì được hướng dẫn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.

Năm 2023, thành phố đã hỗ trợ cho 25 người, thuộc các quận Hải Châu: 12 người; Thanh Khê: 5 người; Cẩm Lệ: 3 người; Liên Chiểu: 2 người và huyện Hoà Vang: 3 người.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, trước đó năm 2022, thành phố cũng đã phê duyệt hỗ trợ 18 người đủ 5 năm trở lên không tái nghiện ma túy. Qua kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, kết quả có 17/18 người có trong danh sách được nhận hỗ trợ, 1 người không được hỗ trợ do sử dụng lại chất ma túy, đã trả lại kinh phí cho ngân sách. Trong đó, có 16/17 người được nhận hỗ trợ (tỷ lệ 94%) không sử dụng lại ma túy, 1 người đang bị nghi ngờ sử dụng trái phép chất ma túy.

Đến nay, hầu hết các đối tượng đều sử dụng đúng mục đích kinh phí hỗ trợ để học nghề, làm nghề, ổn định việc làm, chăm lo gia đình, vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của mình, có ý thức chấp hành các quy định của địa phương.

Nỗ lực tạo điều kiện để người sau cai nghiện có việc làm, hòa nhập cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, tuy nhiên theo những người làm công tác quản lý sau cai tại các phường, xã ở Đà Nẵng, vẫn còn những trường hợp chưa có việc làm, dễ rơi vào nguy cơ tái nghiện trở lại.

Theo Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng), trong 9 tháng đầu năm 2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận đưa vào cắt cơn nghiện, tổ chức cai nghiện ma túy cho 352 người nghiện, trong đó có 177 người nghiện mới và 175 người tái nghiện (68 người cai nghiện tự nguyện); giải quyết cho về 286 người. Hiện, Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 421 học viên, trong đó có có 394 học viên có Quyết định (có 48 người ngoài thành phố) và 27 không có nơi cư trú ổn định đang chờ Quyết định của Tòa án.

Công tác tổ chức cai nghiện tập trung được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe học viên cai nghiện theo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19; tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất ma túy; học viên được tổ chức học văn hóa, học nghề và tham gia lao động trị liệu...

Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho học viên cai nghiện cũng luôn được cơ sở quan tâm hàng ngày như học viên được xem thời sự, phim ảnh, đọc sách, báo, điện thoại cho gia đình, rèn luyện thể dục, thể thao…

Về công tác cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm 2023, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 47 người, nâng tổng số người được tổ chức cai nghiện lên 64 người; cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện cho 10 người, hiện còn 54 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Hầu hết địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn.

Công tác dự phòng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của tệ nạn ma tuý cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã cấp phát hàng nghìn quyển sổ tay tuyên truyền kỹ năng phòng tránh ma túy, tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy, phát tờ rơi tuyên truyền về lợi ích khi chấp hành quản lý sau cai nghiện ma túy.

UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP cho các đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và đối tượng quản lý sau cai nghiện tại các khu dân cư…