Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Đà Nẵng: Khó kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công

Không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất và không liệt kê thành phần, việc kiểm soát rượu “3 không” đang là thách thức, gây không ít khó khăn đối với các ngành chức năng ở Đà Nẵng.

 

Sản xuất rượu theo phương pháp thủ công khó đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ảnh minh họa)


Được biết đến là một trong những nước tiêu thụ rượu, bia xếp vào hàng lớn nhất thế giới, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu. Đây cũng chính là lý do vì sao các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng rượu, bia là 4 trong 8 yếu tố nguy cơ gây nên gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

 Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn TP. Đà Nẵng những năm gần đây khá đa dạng và phong phú, kể cả từ chất lượng, chủng loại, rượu thủ công truyền thống đến rượu sản xuất công nghiệp, nhập khẩu...

Tại hội thảo về “An toàn thực phẩm vì sức khỏe người dân” do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây cho biết, trên địa bàn thành phố hiện chỉ có hai doanh nghiệp được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp là Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh, với quy mô 1,2 triệu lít/ năm, sản lượng thực tế năm 2014 đạt 75.000 lít, năm 2015 ước đạt 50.000 lít với các sản phẩm rượu Hồng Đào, rượu Bầu Đá, rượu Ông Thầy và Công ty TNHH Chăm Chăm chuyên sản xuất rượu vang.

Ngoài hai doanh nghiệp được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp, TP. Đà Nẵng còn có gần 375 hộ sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh. Trong đó, quận Hải Châu có 11 cơ sở; quận Thanh Khê 22 cơ sở; quận Liên Chiểu 38 cơ sở; quận Cẩm Lệ 30 cơ sở; quận Sơn Trà 18 cơ sở, quận Ngũ Hành Sơn 17 cơ sở và nhiều nhất là huyện Hòa Vang với 238 cơ sở. Điều đáng nói, chỉ có 03 cơ sở được cấp phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Theo Sở Công thương TP. Đà Nẵng, hầu hết các cơ sở sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công, điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất đều rất hạn chế, lạc hậu, không đảm bảo, chủ yếu sản xuất theo mô hình truyền thống nấu rượu, nuôi heo. Trang thiết bị, dụng cụ thô sơ, sử dụng các vật liệu dễ bị thôi nhiễm vào thực phẩm nên không đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm. Chưa kể, hầu hết các sản phẩm rượu này đều được chứa đựng trong các bao bì không có nhãn mác, không được công bố chất lượng sản phẩm...

Sở Công thương TP. Đà Nẵng cũng cho biết, thực tế hiện nay, việc kiểm soát rượu “3 không”, tức không có nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn. Với ưu điểm giá rẻ, có thể mua ở bất cứ đâu, nhiều người đã lựa chọn rượu “quê” không rõ nguồn gốc để uống. Trong khi các nước trên thế giới đều rất chú trọng đến vấn đề đăng ký kinh doanh rượu tại các nhà hàng thì ở nước ta, việc này hầu như bị bỏ ngỏ, bất kỳ cửa hàng bán đồ ăn nào cũng đều ngầm hiểu được bán rượu, dù không ai cấp phép, điều này càng gây không ít khó khăn trong công tác quản lý.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến, theo quy định của Luật Quảng cáo, các loại rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được. Dựa vào tình tiết này, nhiều nhà sản xuất đã tung ra chiêu quảng cáo, tiếp thị bằng các nhân viên nhỏ lẻ, đưa họ đến các quán nhậu, nhà hàng đông khách. Tại đây, việc quản lý, giám sát cũng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, việc các hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn thành phố không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng dẫn đến các ngành chức năng không thể thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, hay Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo đúng quy định để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Được biết, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ hơn 200 thùng rượu các loại để chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với tuyến quận, huyện, các địa phương cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất rượu thủ công với phương châm đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe người dân.