Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn thành phố gắn với việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ trí tuệ.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp ít nhất 54 sản phẩm có thế mạnh tham gia chương trình OCOP trên địa bàn thành phố; có ít nhất từ 3-5 sản phẩm OCOP cấp thành phố và có ít nhất từ 2 - 3 sản phẩm của thành phố đạt từ 3 sao trở lên tham gia Chương trình OCOP cấp quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 90% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của thành phố được hỗ trợ xây đựng nhãn hiệu, thương hiệu và bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Cùng với đó, hình thành, phát triển từ 3-5 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu kết hợp bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa phục vụ du lịch sinh thái nông nghiệp; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm di dời đến vùng quy hoạch. Đặc biệt, mỗi năm tổ chức ít nhất 1 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, ngành nghề nông thôn cho lao động nông nghiệp trên địa bàn thành phố; thu nhập cho lao động làm việc trong các hoạt động ngành nghề nông thôn gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng phấn đấu các ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của thành phố. Đồng thời, phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử và truyền thống của địa phương…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Đặc biệt, ưu tiên lồng ghép hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn, hợp tác xã, tổ hợp tác và tham mưu triển khai thực hiện các quy định liên quan đến lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội để phát triển ngành nghề nông thôn…