Lớp học khiếm thính tại Làng Hy vọng. Ảnh: Thanh Trần.
Làng Hy vọng hiện đang nuôi dạy 113 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi và khiếm thính. Toàn bộ chi phí cho việc ăn, học, sinh hoạt của các em, tiền lương cho cán bộ, nhân viên đều dựa vào ba nguồn tài trợ chính của các tổ chức Đông Tây hội ngộ, Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Trong đó, tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ 30.000USD/năm, Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản 28.000 USD/năm, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam 5.000USD/ năm. Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy vọng cho hay, với các khoản tài trợ này Làng Hy vọng tạm đủ để duy trì việc nuôi dạy các em nhỏ, đảm bảo lương cho cán bộ, nhân viên dù không nhiều.
Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, Làng nhận được thông báo chính thức của tổ chức Đông Tây hội ngộ sẽ cắt toàn bộ tiền tài trợ vào tháng 5/2016, do điều kiện kinh tế khó khăn, hơn nữa tổ chức này đã tài trợ cho Làng Hy vọng trong suốt 22 năm qua. “Bây giờ mất đi một nửa chi phí, Làng Hy vọng quả thật rơi vào thế bế tắc, không biết xoay xở đường nào. Chúng tôi vừa tổ chức buổi kêu gọi tài trợ và được 30 triệu đồng, số tiền đó chỉ đủ tiền ăn cho các em trong chừng 10 ngày. Làng Hy vọng cũng đã báo cáo lên Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố để tìm hướng giải quyết, đồng thời kêu gọi các cựu học sinh từng sinh sống, học tập ở đây chung tay hỗ trợ. Dù nỗ lực đến đâu thì việc tìm được nguồn để bù vào con số 30.000 USD cũng rất khó”, ông Vinh lo lắng.
Ông Vinh cũng cho biết thêm, trước đây Làng Hy vọng nuôi dạy 200 em, sau đó còn 150 em, và do điều kiện ngày càng eo hẹp nên đến nay chỉ còn 113 em. Chi phí tiền ăn hàng ngày mỗi em là 30.000đ với suất cơm rất “khiêm tốn”, nhiều em cần học phụ đạo phải thuê thêm giáo viên về dạy. “Nếu không tìm được nguồn tài trợ hoặc tài trợ quá ít ỏi, Làng Hy vọng sẽ cắt giảm nhiều hoạt động, bắt buộc từ chối nhận các em nhỏ từ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt vào ngôi nhà chung này để đảm bảo nuôi dạy tốt các em còn lại”, ông cho hay.