Bước tiến mới trong công tác GDNN
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH thành phố Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2019, toàn thành phố có 65 cơ sở GDNN, trong đó có 20 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN và 28 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN với 260 nhóm ngành, nghề khác nhau, riêng nhóm ngành/nghề thương mại dịch vụ chiếm khoảng 66%, nhóm ngành/nghề công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 31% và nhóm ngành/nghề nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 3%. Tổng quy mô tuyển sinh toàn thành phố là gần 55.000 chỉ tiêu mỗi năm. Hệ thống các trường nghề cao đẳng và trung cấp đã có bước đột phá mạnh mẽ trong công tác đào tạo như thay đổi giáo trình, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo. Tiên phong trong số này có thể kể đến hệ thống các trường cao đẳng nghề như: Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Phương Đông, Trường Cao đẳng Bách khoa, Trường Cao đẳng
Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng...
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN cũng không ngừng được tăng cường đáp ứng nhu cầu mới. Trên địa bàn thành phố hiện có gần 2.900 cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo, trong đó gần 2.200 nhà giáo cơ hữu. Các cơ sở GDNN cũng đặc biệt quan tâm đến việc kiểm định, bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2018, có 10 trường cao đẳng thực hiện công tác tự kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, chất lượng chương trình đào tạo. Hiện nay, có 02 trường cao đẳng nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận kiểm định chất lượng dạy nghề cấp độ 3 (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề số 5) và 02 chương trình đào tạo được kiểm định (chương trình quản trị khách sạn, chương trình quản trị mạng của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng).
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong các vấn đề xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập tại doanh nghiệp và ký kết tuyển dụng học viên vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Riêng năm 2018, đã có 31 cơ sở GDNN đã phối hợp với 596 lượt doanh nghiệp tham gia tiếp nhận 8.538 học sinh, sinh viên vào thực tập tại doanh nghiệp và tiếp nhận 4.350 học sinh, sinh viên vào làm việc. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã phối hợp với các doanh nghiệp
đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp ở trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 03 tháng cho 5.116 lượt lao động. Giai đoạn 2016 - 2018, có 686 nhà giáo được các cơ sở GDNN cử đến 211 doanh nghiệp hướng dẫn sinh viên thực tập. Các cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp tham gia xây dựng và thẩm định ban hành 577 chương trình đào tạo ở các cấp trình độ: trong đó, 188 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, 187 chương trình đào tạo trình độ trung cấp, 178 chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, 24 chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
Với những giải pháp nêu trên đã góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; số lượng và chất lượng
lao động có tay nghề cao được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay trong thời gian 6 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô, tỉ lệ có việc làm đạt 90% - 100%. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm 10% - 12% trong tổng tỉ lệ thất nghiệp của thành phố.
Đà Nẵng hiện có 65 cơ sở GDNN với 260 nhóm ngành nghề khác nhau.
Giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN thời gian tới
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác GDNN ở Đà Nẵng hiện cũng còn những thách thức: Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về học nghề hiện nay còn hạn chế, chưa đủ mạnh để tác động đến người dân, làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội để họ thực sự hiểu đúng về tầm quan trọng của việc học nghề, nhất là học sinh, thanh niên trong thời điểm hiện nay. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN còn khó khăn, chưa phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lao động nhiều, trong khi số lao động qua đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ chưa cao, nên không đủ cung ứng cho nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động kỹ thuật tay nghề cao.
Đào tạo các nghề du lịch, dịch vụ là một trong những thế mạnh của GDNN ở Đà Nẵng.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp theo hướng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các nghề có sử dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học cao. Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước về GDNN trên địa bàn, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý GDNN các cấp. Đồng thời làm tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông để hướng nghiệp học nghề. Tập trung thực hiện xã hội hóa sự nghiệp GDNN; đầu tư các trường chất lượng cao ở các vùng kinh tế động lực của thành phố; xây dựng và ban hành chính sách liên kết GDNN với doanh nghiệp sử dụng nhằm xác định trách nhiệm và khuyến khích tất cả các bên liên quan tham gia đầu tư và tổ chức các hoạt động GDNN; có chính sách đãi ngộ, thu hút nhà giáo GDNN cũng như thu hút người học nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số lĩnh vực đặc thù riêng của thành phố…
Minh Anh/GĐTE