Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đà Nẵng: Những mảnh đời cần sự sẻ chia

Khuyết tật, bại não, mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể, không ít trẻ em khi sinh ra đã phải gánh chịu những nỗi đau, sự bất hạnh khó thể nói thành lời. Làm sao để giúp các em vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn luôn là niềm mong mỏi của những người làm công tác xã hội tại TP. Đà Nẵng.

 

Anh Phạm Đình Tín, cha của bé Phạm Hoàng Gia Nghi (5 tuổi) bị bại não

Vẫn còn đó vô vàn những mảnh đời cần sự sẻ chia, giúp đỡ, chị Nguyễn Thị Yến, Trung tâm công tác xã hội TP. Đà Nẵng mở đầu câu chuyện bằng trường hợp của bé Phạm Hoàng Gia Nghi, sinh năm 2013, tổ 56, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Cũng như bao đứa trẻ khác, Gia Nghi sinh ra trong niềm mong đợi, hạnh phúc của cả cha và mẹ. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu khi gia đình phát hiện em bị khuyết tật não, không thể phục hồi. Bất hạnh hơn, mẹ của bé khi biết bệnh tình của con đã bỏ nhà đi biệt tích khi em mới chỉ được vài tháng tuổi. Cảnh “gà trống nuôi con”, vừa thương con, vừa xót xa cho những bất hạnh mà con phải gánh chịu, anh Phạm Đình Tín, cha của bé Phạm Hoàng Gia Nghi ngày ngày vẫn một mình xoay xở chăm sóc con.

“Tôi vốn là bộ đội chiến trường Campuchia, lập gia đình khi tuổi đời không còn trẻ, tưởng rằng cuộc sống cũng sẽ như bao gia đình bình thường khác, thế nhưng niềm mong mỏi tưởng chừng như bình thường ấy lại là nỗi đau, sự bất hạnh cho con trẻ...”, anh Tín như nghẹn lời.

Với hai nhân khẩu, lại là hộ đặc biệt nghèo, chị Yến cho biết, bé Gia Nghi bị bại não nên không có khả năng nhận thức, vận động, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của cha. Trong khi đó, anh Tín tuổi đã cao, sức khỏe lại hạn chế, không có người chăm sóc trẻ nên anh không thể đi làm để tạo nguồn thu nhập. Mọi chi phí sinh hoạt của hai cha con đều phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi của trẻ (mức 675.000đ/tháng) và sự hỗ trợ đột xuất từ phía chính quyền và người thân. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. 

Anh Tín cho biết, mong muốn lớn nhất của bản thân lúc này là có được một khoản tiền để xây phòng trọ cho thuê trên khuôn viên đất nhà đang ở, có như vậy, hàng tháng anh mới có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống và có điều kiện chăm sóc con tật nguyền.

Căn nhà tranh tre xập xệ này là nơi sinh sống của 4 nhân khẩu của gia đình anh Đỗ Kim Vũ


Cũng khó khăn khăn không kém anh Tín là trường hợp của gia đình anh Đỗ Kim Vũ, thuộc thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Nhìn căn nhà tranh tre xập xệ, chỗ lợp, chỗ trống, không ai nghĩ rằng đây lại là nơi sinh sống của gia đình có 4 nhân khẩu.

Cuộc sống khó khăn đã đành, nỗi chật vật lại như càng lớn hơn kể từ khi gia đình anh sinh thêm bé thứ 2 là cháu Đỗ Phạm Kim Ngân năm 2014. Bé Ngân khi sinh ra đã kém may mắn vì bị khuyết tật cơ thể. Mẹ cháu kể từ khi sinh cháu cũng không thể làm thêm được việc gì vì phải ở nhà làm công việc nội trợ và chăm sóc cho hai con nhỏ. Chi phí cho 4 miệng ăn hàng ngày chỉ còn biết trông chờ vào nguồn thu nhập từ công việc thợ hồ của cha trẻ. “Căn nhà dựng tạm này cũng là đất của ông bà nội để lại. Cuộc sống khó khăn, nguồn thu nhập chỉ đủ chi trả các chi phí sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình nên cũng không biết bao giờ chúng tôi mới có thể xây được ngôi nhà kiên cố cho các cháu ở”, anh Vũ giãi bày. 

 

Cuộc sống gia đình anh Vũ hết sức khó khăn vì con bị khuyết tật


Chị Nguyễn Thị Yến, Trung tâm Công tác xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, “Hầu hết gia đình có trẻ em khuyết tật đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, công ăn việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, thậm chí không có thu nhập. Trong khi đó, đối với trẻ em khuyết tật, gia đình luôn phải có người trông giữ trẻ tại nhà, không thể đi làm... nên khó khăn lại càng chồng chất khó khăn hơn”. Chị Yến cũng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã khảo sát và kết nối nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật với các chương trình trợ giúp, hỗ trợ, tuy nhiên đối với trẻ em khuyết tật không có khả năng phục hồi thì rất khó, ít có cơ hội kết nối hơn nên không ít gia đình có trẻ em khuyết tật vẫn còn rất khó khăn, cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội.