Chương trình hành động vì trẻ em thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu bảo đảm mọi trẻ em được sống và phát triển; được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, dinh dưỡng và tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ xã hội thiết yếu có chất lượng; được tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong gia đình và trường học; được coi trọng, tôn trọng và đối xử công bằng trong cộng đồng, có cơ hội phát triển toàn diện; ưu tiên những năm đầu đời.
Chương trình cũng bảo đảm mọi trẻ em đều được bảo vệ, phòng ngừa xâm hại, bạo lực, bóc lột và mua bán; ưu tiên hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em trong các gia đình nhập cư; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục có chất lượng và điều kiện vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch lành mạnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo đó, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống 5,5‰ vào năm 2025 và 4,13‰ vào năm 2030; giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi xuống 6‰ vào năm 2025 và 4,5‰ vào năm 2030; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống 7‰ vào năm 2025 và dưới 5,25‰ vào năm 2030. Duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi dưới 4% trong giai đoạn 2021-2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi xuống 12,8% vào năm 2025 và 12,5% vào năm 2030; khống chế tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phỉ dưới 11% vào năm 2025 và dưới 10% vào năm 2030.
Đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em dưới tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 99% và 99,5% vào năm 2030. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm xuống dưới 2% vào năm 2030. Phấn đấu 100% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định vào năm 2025 và được duy trì đến năm 2030.
Phấn đấu đạt 100% trẻ em được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh trong môi trường gia đình và trường học vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 65% năm 2025 và 75% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 100% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Phấn đấu giảm 15% tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật giai đoạn 2021-2025 và 20% giai đoạn 2026-2030 so với giai đoạn trước. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trên tổng số trẻ em xuống dưới 1,2% vào năm 2025 và dưới 1% vào năm 2030; 100% trẻ em có HCĐB được thống kê, quản lý và được trợ giúp phù hợp vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Phấn đấu giảm 15% tỷ lệ trẻ em bị xâm hại giai đoạn 2021- 2025 và 20% giai đoạn 2026-2030 so với giai đoạn trước.
Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích xuống 500/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 400/100.000 vào năm 2030; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống dưới 12/100.000 trẻ em vào năm 2025 và dưới 10/100.000 vào năm 2030. Thành phố Đà Nẵng cũng phấn đấu không có lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi trong giai đoạn 2021-2030; 100% trẻ em gặp rủi ro bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời.
Phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 99,9% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. 100% trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ trường có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...
Chương trình này được thành phố Đà Nẵng thực hiện từ năm 2021 đến 2030 và được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn thứ nhất 2021-2025 và giai đoạn thứ hai 2026-2030.
Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em vào năm 2030 phù hợp với tiêu chí quốc tế.