Kế hoạch đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả, thực chất các nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 95% hộ gia đình ở nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung. Bình quân đầu người được sử dụng nước sạch từ 80/lít/người/ngày trở lên; 98% công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững.
Có ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn, 95% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 100% chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Ít nhất 15% số hộ nông thôn cô nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; ít nhất 80% chất thải trong chăn nuôi và 80% chất thải hữu cơ, phụ nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành nguyên liệu, nguyên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường…
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hằng năm được đào tạo về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sơ chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận về an toàn thực phẩm; ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tổng kinh phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; vốn xã hội hóa các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác; vốn lồng ghép từ các chương trình; vốn huy động hợp pháp khác...