Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đà Nẵng: Quyết tâm xây dựng xã, phường không có tệ nạn xã hội

Với gần 1.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm, trong đó có hơn 4.000 nhân viên nữ đang làm việc, cũng như nhiều địa phương khác, công tác kiểm soát, phòng chống tệ nạn xã hội tại TP. Đà Nẵng luôn là vấn đề khó đối với các ngành chức năng. Tuy nhiên, với việc xây dựng xã, phường lành mạnh, tệ nạn xã hội tại Đà Nẵng đã được đẩy lùi.

.

      Từ chỗ là điểm nóng, phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn, đến nay công tác phòng, chống ma túy, mại dâm tại 2 phường Hải Châu 2 và phường An Hải Tây, thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, số người nghiện ma túy, mại dâm và tỷ lệ người tái nghiện đã giảm đáng kể.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội

           Quyết tâm xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, đến nay, đa số các quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều đã cơ bản đạt được những tiêu chí đề ra. Đặc biệt, hơn 3 năm qua đã có 51/56 xã, phường phấn đấu duy trì không có tệ nạn mại dâm.

          Để có được kết quả này, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người dân. Hàng năm, các lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành rà soát, quản lý, phát hiện và đề xuất đấu tranh, triệt xoá các ổ nhóm mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình. Qua đó, đã tiến hành kiểm tra hơn 2 nghìn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. Cảnh cáo, nhắc nhở và chấn chỉnh hơn 600 lượt cơ sở, đề xuất xử phạt hành chính hơn 300 lượt cơ sở, với tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng...

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức cai nghiện cho gần 2 nghìn lượt người nghiện. Công tác quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng cũng được thành phố quan tâm triệt để. Cụ thể, ngay khi hết thời hạn tập trung cai nghiện, Trung tâm tổ chức bàn giao học viên cho địa phương và gia đình để cùng phối hợp quản lý, giúp đỡ. Sau khi về địa phương sinh sống, người sau cai nghiện có trách nhiệm đến chính quyền địa phương đăng ký, để địa phương lập hồ sơ, ra quyết định quản lý, đồng thời phân công tổ chức, cá nhân ở địa phương theo dõi, giúp đỡ trong quá trình hoà nhập cộng đồng, phòng tránh tái nghiện.

Chính vì vậy, tỷ lệ người sau cai nghiện có việc làm tại địa phương  đạt 313/471 người (chiếm tỷ lệ khoảng 67%).

Tuy nhiên, theo nhiều người làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương, công tác này hiện vẫn còn những khó khăn nhất định.

Đơn cử như vấn đề xử lý người hoạt động mại dâm hiện nay chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe, việc ngăn chặn tệ nạn này gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Ngoài ra cũng phải kể đến vẫn còn những đối tượng trong diện quản lý sau cai nghiện không có nơi ở ổn định, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định nên rất dễ bị lôi kéo quay trở lại con đường sử dụng ma túy.  Đội ngũ cán bộ theo dõi công tác phòng, chống tệ nạn xã hội làm công tác kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi về mặt nhân sự cũng gây khó khăn cho công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ...

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.Đà Nẵng cho rằng: Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh nhất thiết phải được lồng ghép vào những nội dung cụ thể, trách nhiệm rõ ràng trong các mô hình, cuộc vận động phong trào có như vậy mới đánh giá đúng thực chất, làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào để chấn chỉnh. Đặc biệt, phải thường xuyên tuyên truyền để người dân cũng như toàn thể xã hội chủ động trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, có như vậy việc xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội mới được hiệu quả và bền vững.