.
Chỉ kịp ăn chiếc bánh mì rồi tiếp tục đạp xe đến nhà cô giáo học ca tiếp vào lúc 5 giờ chiều, cậu học sinh cấp II Nguyễn Thanh Sơn, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng vẫn không một chút phản ứng, hay có thái độ gì khác thường, bởi với em “Năm nào cũng vậy, bắt đầu nghỉ hè là ba mẹ đã đăng ký lịch học thêm ngay nên em cũng quen rồi” Sơn cho biết.
Càng ngày các em càng có ít thời gian để được vui chơi, được sống đúng với những gì diễn ra với lứa tuổi của mình
Cùng cảnh ngộ với Sơn, ngay khi nghỉ hè, góc học tập của em Hoàng Đạt, trú kiệt 233 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã nhanh chóng được thay thế bằng một thời khóa biểu mới mang tên “Lịch học hè”. Với dày đặc những môn học nào toán, văn, ngoại ngữ, lịch sinh hoạt, học hành của cậu học trò này dường như chẳng khác là mấy so với thời gian trong năm học. Thậm chí còn chịu sự quản thúc hết sức chặt chẽ, trực tiếp từ ba mẹ khiến em gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, chơi đùa với các bạn.
“Sợ con mải chơi, đi học không đến nơi đến chốn, ngày nào mình cũng phải 2 buổi đưa đón cháu đến nhà cô giáo để học. Thời gian còn lại ở nhà, mình phải nhờ bà ngoại sát sao để cháu không xao nhãng chuyện học hành”, chị Trần Mai Lan, phụ huynh của em Hoàng Đạt nói.
Về chuyện học thêm, trong một lần tình cờ tới nhà bà con chơi, tôi chứng kiến cảnh cậu học trò nhà hàng xóm mồ hôi nhễ nhãi, vừa đạp xe về đến trước cửa nhà thì bị bà mẹ ra mắng xối xả, chỉ với lý do đi học về trễ, sẽ không kịp cho ca học buổi tối. Cậu học trò mặt mũi cau lại, chỉ biết lí nhí mấy câu “xe con bị hư giữa đường” rồi lại vội vàng leo lên chiếc xe đạp cũ đi tiếp. Có lẽ nếu ai chứng kiến cảnh này cũng phải thấy ái ngại cho sự nghiệp học hành của chính con em mình.
Dạy thêm, học thêm đã không còn là chuyện mới mẻ, dù ở bất cứ nơi nào, thế nhưng với sự quan tâm một cách thái quá và có phần hơi quá đà, nhiều bậc phụ huynh đang dần biến con mình, những cô cậu học trò vốn năng động, tinh nghịch, hồn nhiên, vô tư thành những đứa trẻ ngày càng trở nên lầm lũi như những cỗ máy, thậm chí gặp ai cũng không biết chào hỏi, lễ phép là gì. Bởi việc của các em tất cả chỉ có học, học và học…
Cô Lê Thu Hiền, giáo viên một trường THCS ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho rằng “Không thể khẳng định em có học thêm sẽ có học lực tốt hơn so với em không học thêm. Bởi điều này còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu bài học của mỗi em. Trong khi, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đang đua nhau cho con đi học thêm vì sợ nếu cho con ở nhà thì sẽ bị thua bạn, thua bè, kết quả học tập thua kém…”
Không chỉ cho con đi học thêm, mấy ngày nay, chị Võ Thị Thanh, trú đường Hoàng Hiệu, TP. Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa, vì chưa đăng ký được lịch học thêm hè cho cậu con trai lớp 8. Sợ con nghỉ lâu, mải chơi rồi quên hết kiến thức, chị Thanh còn nhờ cả bạn bè cùng cơ quan giới thiệu. Chỉ cần nghe nói ở đâu có cô giáo dạy giỏi là chị phóng xe đi tìm hiểu ngay.
Quan tâm đến chuyện học hành của con là vậy, thế nhưng khi được hỏi về kiến thức học tập của con, chị Trần Thị Hòa, đường Dũng sỹ Thanh Khê, Đà Nẵng lại không hề hay biết mỗi ngày con đến nhà cô giáo học được những gì. “Lo buôn bán ngoài chợ cả ngày, tối về lại dọn dẹp rồi cơm nước, cũng không có thời gian kiểm tra bài vở của cháu. Hơn nữa, có muốn giờ mình cũng không đủ khả năng. Thôi thì chỉ biết cho cháu tiền rồi bảo cháu đi học thêm, hy vọng cháu tu chí học hành.”
Được biết, học thêm không chỉ diễn ra ở lớp 7,8 trở lên, ngay cả những em tiểu học, lịch học thêm 3 tháng hè cũng được ba mẹ lập trình sẵn. Việc cần làm chỉ là sáng ra, hoặc ba hoặc mẹ chở con đến nhà cô giáo rồi đến chiều đón về.
“Mình còn phải đi làm, ở nhà không có ai trông cháu cả nên tốt nhất là đăng ký cho cháu học hè ở nhà cô giáo, vừa cho cháu có kiến thức, mình cũng yên tâm hơn để đi làm” Chị Nguyễn Thị Hoan, một phụ huynh chia sẻ.
Câu trả lời vì sao các khu vui chơi cho trẻ em luôn vắng bóng người dù đã chính thức bước vào mùa hè đã rõ. Có lẽ càng ngày các em càng có ít thời gian để được vui chơi, được sống đúng với những gì diễn ra với lứa tuổi của mình. Một nhịp sống đã được sắp đặt trước giữa những bộn bề lo toan của người lớn, vô tình đang biến các em, những học sinh, tương lai của đất nước ngày càng sống thụ động hơn.