Kiểm soát tai nạn lao động, hướng đến tạo môi trường sản xuất an toàn, chất lượng, những năm qua, công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng luôn được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bằng những hoạt động cụ thể thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người lao động trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Qua đó, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cũng nhờ thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động về an toàn vệ sinh lao động, ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động, Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, nhiều năm qua, công ty không để xảy ra tai nạn lao động chết người hay sự cố cháy nổ nghiêm trọng. Không những vậy, từ chỗ doanh nghiệp luôn nỗ lực để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, tạo môi trường sản xuất an toàn, chất lượng, người lao động cũng đã tự ý thức việc chấp hành các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động là bảo vệ chính mình, từ đó chấp hành như một thói quen.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động chủ yếu do người lao động vi phạm nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, nhất là trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động như xây dựng, khai thác và chế biến đá…
Công tác an toàn, vệ sinh lao động không chỉ quan trọng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mà với mỗi doanh nghiệp, đơn vị và từng người lao động cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Có như vậy, mới có thể kiểm soát tốt, hạn chế tai nạn lao động.
Nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 trên địa bàn TP Đà Nẵng với nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được tổ chức.
Các hoạt động thông tin tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động được các đơn vị, doanh nghiệp đa dạng hóa bằng nhiều hình thức thông tin trên các kênh, phương tiện truyền thông, mạng xã hội,... để tuyên truyền đến người lao động.
Thành phố cũng xây dựng và cấp phát các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền chủ đề và nội dung của các hoạt động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022, đặc biệt tuyên truyền pháp luật an toàn, vệ sinh lao động lồng ghép công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến người lao động, kể cả trong khu vực không có hợp đồng lao động, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao dễ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể như tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động và mạng lưới an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm quan các mô hình điển hình làm tốt về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, hội nghị, hội thảo chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động.
Thành phố cũng sẽ đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc khai báo máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất và phòng, chống dịch bệnh Covid- 19… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.