Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện nay dịch bệnh tay chân miệng bước vào mùa cao điểm, từ ngày 25/4 đến 1/5, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thành phố đã ghi nhận 105 ca mắc tay chân miệng, chiếm 48,6% tổng số ca mắc tính từ đầu năm (215 ca mắc), trong đó 97,7% bệnh nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để lây lan và bùng phát thành dịch, Sở Y tế thành phố yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch; tăng cường giám sát xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại các địa phương. Khi phát hiện trường hợp xử lý không đúng quy định, kịp thời báo cáo Sở Y tế để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân tiếp cận được thông tin và các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, chủ động thực hiện, bảo vệ sức khoẻ gia đình và cộng đồng.
Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch tay chân miệng tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch tại cơ sở y tế, các hộ gia đình, trường học, cộng đồng theo hướng dẫn, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cập nhật phác đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng và tử vong liên quan đến bệnh tay chân miệng. Đồng thời, giao Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cập nhật, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng trong trường hợp cần thiết…
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo; yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học...
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
UBND các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông, chỉ đạo các lực lượng địa phương phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; nâng cao vai trò của cộng tác viên dân số - y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.