Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đà Nẵng tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thành phố phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động…

Người lao động tham gia Ngày hội việc làm Đà Nẵng.

Người lao động tham gia Ngày hội việc làm Đà Nẵng.

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động.

Thành phố phấn đấu có 2 trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; 10 - 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2 - 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN.

Đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của các nước phát triển, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để đạt các mục tiêu đề ra, thành phố sẽ xây dựng, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm nâng cao thu nhập.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; rà soát nhu cầu học nghề, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo của các đối tượng là thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động trên địa bàn…