Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đà Nẵng và nơi đỉa cũng không sống nổi

Trong những cuộc họp Thành ủy hoặc Hội đồng Nhân dân, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng luôn nhắc đến một vùng đất ven đô của thành phố này, với hàm nghĩa một sự nhức nhối, ám ảnh.

 

Vùng đất “nhạy cảm”

Vùng ven đô mà ông Thọ bị “ám ảnh” là một rẻo đất phía tây bắc Đà Nẵng thuộc các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).

Theo như ông Thọ diễn tả thì vùng đất đó đúng là “nhạy cảm” thật. Bãi rác thành phố cũng về đó. Trại tạm giam, bệnh viện tâm thần, trại giết mổ tập trung, trung tâm bảo trợ xã hội… tất tần tật đều tụ họp ở vùng đất này.

Ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu nói nửa đùa nửa thật: “Đà Nẵng có thứ gì thì quận này có cái đó”.

Đủ thứ nguồn gây ô nhiễm tập trung ở đây khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Việc phản ánh lên cơ quan chức năng từ người dân diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chẳng có gì thay đổi nhiều.

Tại cuộc họp HĐND mới đây, ông Trần Thọ, đang ngồi ở ghế chủ tọa, lại nhận được tin nhắn của người dân phản ánh lên về tình trạng bĩ cực bởi ô nhiễm. Ông bảo: “Không dám trả lời tin nhắn của người dân vì không biết hứa như thế nào”. Rồi ông bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng phải làm cái gì đó để người dân ở đây bớt thiệt thòi, ít nhất là khu vực xung quanh bãi rác.

Bãi rác Khánh Sơn (thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) có từ năm 1992. Lúc đó, Đà Nẵng vẫn là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Vùng được gọi là thành phố lúc đó chỉ gỏn gọn trong khu vực quận Hải Châu hiện nay. Còn như Liên Chiểu ở xa tít tắp ngoại ô và hoang sơ. Thế nên, bãi rác được quy hoạch ở nơi này và được xem là xa trung tâm thành phố lắm. Vậy mà, chỉ khoảng 20 năm, phố xá đã phình ra như bây giờ. Bãi rác tự dưng nằm cạnh khu dân cư.

Ông Phạm Công Thành (61 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 170, phường Hòa Khánh Nam) nói:"Từ khi có bãi rác thì ô nhiễm kéo dài cho đến nay. Mùi hôi thối, nước rỉ từ bãi rác tràn ra khắp khu dân cư. Những mương nước đen đặc. Mùa mưa mà từ đường chính vào trong khu dân cư thì phải lội nước. Lội xong rồi về nổi ngứa và cóc ghẻ”.

                Ông Phạm Công Thành cho biết những người dân quanh đây sống khổ cực bởi mùi hôi thối.

Khi chúng tôi hỏi:“Dân mình có phản ánh lên chính quyền không?”.Ông Thành cho biết: “Phản ánh nhiều rồi mà cũng vậy thôi”. “Thế trước đây khi chưa có nước máy thì dân sống sao?”. “Chấp nhận thôi, có một thời gian, người bị ung thư ở vùng này nhiều lắm”. Chỉ vào một con mương nước đen ngòm, ông Thành bảo: “Chú thấy nước như thế, đỉa cũng không sống nổi chứ nói gì cá. Người thì càng chết”.

Ở con đường đất đi vào bãi khai thác đá thuộc tổ 30, bà Nguyễn Thị Lý đang ngồi phe phẩy ruồi ngóng người qua lại mua thuốc, uống nước cũng cho biết: “Tôi lên ở đây được 4 năm rồi, ở quê dưới biển cực quá. Từ lúc lên ở đây cũng phải chịu mùi hôi thối như những người ở đây. Nhất là về buổi tối hay tảng sáng, nước xả ra thúi không chịu được.Tôi bán vặt vặt điếu thuốc, chén rượu cho người xung quanh kiếm ít tiền sống. Chứ vào bãi rác làm thì không đủ sức khỏe. Ở đây trước khi ăn cơm phải xịt thuốc diệt ruồi, bán cho khách ly nước cũng phải bôi dầu gió xung quanh kẻo nó bâu. Nói chung là cực lắm”.

 

Người dân ở phường Hòa Khánh Nam cho biết nguồn nước mặt chảy qua mương nước đen đặc ở khu vực này là xuất phát từ bãi rác  

Kiến nghị nhiều lần lắm rồi…

Ông Lê Duy Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Liên Chiểu chẳng lấy gì sốt sắng khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm quanh bãi rác Khánh Sơn. Ông nói chỏn lỏn:"Kiến nghị nhiều rồi”.Ngừng một lúc, ông Hòa thủng thẳng:“Tình trạng mùi hôi phát sinh từ bãi rác khi thời tiết thay đổi bất thường từ nhiều năm nay, đây là nhược điểm cố hữu của công nghệ xử lý rác thải bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn”.

Dự kiến đến năm 2020, bãi rác này sẽ quá tải. Trong khi đó, bãi rác cũ nằm bên kia đường đã đầy và chôn lấp vẫn không hết lo ngại về ô nhiễm nước ngầm do công nghệ chôn lấp thô sơ không cần xử lý đáy từ thời những năm 1990.

Bãi rác Khánh Sơn cũ hết tải và được đầu tư dự án đóng cửa theo quyết định vào cuối năm 2007 với mức đầu tư hơn 9,4 tỉ đồng. Tuy nhiên đến năm 2012, thành phố mới bố trí được 5 tỉ đồng cho dự án này. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng vẫn đang kiến nghị lên xin tiếp nguồn vốn để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.

Ở địa phương, ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cũng đứng ngồi không yên, vì lâu lâu lại nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm của người dân xung quanh khu vực bãi rác và trại giết mổ tập trung.

Tuần rồi, dân lại phản ánh tình trạng ô nhiễm lên HĐND thành phố. Ông Tuấn về tổ chức cuộc họp ngay với người dân và phía Xí nghiệp Quản lý và xử lý rác thải bãi rác Khánh Sơn (thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Đà Nẵng).

Ông Tuấn cho biết: “Phía xí nghiệp họ xác nhận là quá trình xử lý có mùi hôi. Mà không những vậy, ngoài xí nghiệp xử lý rác thải thì đơn vị chuyên chở rác thải cũng khiến người dân rất bức xúc khi họ chở rác mà xe chạy ào ào, qua đường ổ gà là nước thải vung vãi tứ tung, hôi không chịu được”.

Nhưng rồi ông Tuấn cũng chỉ biết… kiến nghị. Ngay cả nhà ông, nằm ngay cạnh lò giết mổ tập trung mà cũng đành phải chấp nhận.Ông Tuấn than thở: “Trước đây khi họ xin vào đầu tư thì nói sẽ là một khu chế biến sản phẩm xuất khẩu này nọ chi đó ngon lắm. Nhưng rồi chẳng thấy đâu. Mỗi ngày họ mổ khoảng 40-50 con bò, hàng ngàn con gà lợn. Mà hệ thống xử lý không triệt để nên vẫn có mùi hôi”.

Ông Tuấn còn bảo:"Nghe đâu mạch nước ngầm nó ô nhiễm xuống tận Ngã Ba Huế…"

Hiện có khoảng gần 20 tổ dân phố với 25.000 dân phường Hòa Khánh Nam sống quanh bãi rác, lò giết mổ, trung tâm bảo trợ xã hội…