Khi anh Tony Ferreira, đến từ Jersey (Anh) bị nổi mẩn nhỏ ở vùng lưng dưới, anh đã cho rằng nó sẽ hết sau vài ngày. Đối với người đàn ông 40 tuổi luôn khỏe mạnh này, ung thư là một thứ gì đó vô cùng xa lạ mà anh chưa bao giờ nghĩ đến. Cho tới khi những nốt phát ban nhanh chóng lan khắp cơ thể khiến da chân và da tay của anh bị tróc ra từng mảng.
Anh Tony đã "chết lặng" khi nghe bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư hạch Non-Hodgkin hay còn gọi là hội chứng Sezary – một tình trạng u sùi dạng nấm nằm ở dưới da.
Được biết, vào năm 2012, anh Tony nhận thấy có một vết ban đỏ nổi lên ở lưng dưới và nó không biến mất. Sau đó, vết ban nhanh chóng phát triển và lan ra khắp cơ thể. Nó còn khiến da tay và chân anh bị bong tróc ra. Đồng thời, anh còn phát hiện có những cục u ở háng và ở dưới cánh tay.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, anh Tony mới được bác sĩ chẩn đoán là mắc phải một dạng ung thư hạch Non-Hodgkin hiếm gặp hay còn gọi là hội chứng Sezary – một tình trạng khiến các tế bào bạch cầu trở thành tế bào ung thư và tấn công mạnh mẽ vào da.
Căn bệnh ung thư khiến cho toàn bộ da của lòng bàn tay và...
Hiện tại, khoảng 90% cơ thể của Tony đang bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ung thư hiếm gặp này và anh chỉ có thể sống sót nếu được hiến tặng tế bào máu. Do đó, vợ anh, chị Osvalda, đang nhờ các tổ chức từ thiện tìm kiếm một người chấp nhận hiến tặng tế báo máu cho anh Tony.
Song, vì đây là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp nên chuyện tìm người thích hợp gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả cha mẹ và 4 anh chị em của anh Tony đều đã được kiểm tra nhưng không ai trong số họ là phù hợp.
Vào tháng 3/2020, các bác sĩ quyết định điều trị cho anh Tony bằng một loại thuốc hóa trị chống ung thư mới (mogamulizumab), nhưng cuộc thử nghiệm đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19 xảy ra. Điều này khiến cho chị Osvalda vô cùng lo lắng.
Chị nói: "Tình trạng của chồng tôi rất tệ, và giống như hàng ngàn bệnh nhân ung thư ở Anh, anh ấy cũng phải ngừng điều trị khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Tôi khao khát được nắm đôi bàn tay trần của Tony một lần khi anh ấy không cần phải mang găng tay bảo hộ. Anh ấy đã đeo đôi gang tay nhựa màu xanh ấy lâu đến nỗi tôi gần như quên mất cảm giác bàn tay của anh ấy như thế nào rồi".
Vì vậy chị Osvalda đã luôn "cầu nguyện rằng một người lạ sẽ giúp chúng tôi tiếp tục cuộc sống cùng nhau trong nhiều năm tới".
Theo thông tin từ ông Jonathan Pearce – Giám đốc điều hành quỹ từ thiện hỗ trợ bệnh nhân ung thư máu DKMS của Anh, số lượng người hiến tặng tế bào máu đã sụt giảm xuống 50% khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
Ông nói: "Công việc tìm kiếm và hỗ trợ những người tình nguyện hiến tặng tế bào máu đến bệnh viện, sau đó sắp xếp chuyển tế bào gốc đến trung tâm cấy ghép đã trở nên khó khăn hơn nhiều khi dịch bệnh bùng phát khắp nơi. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân cần cấy ghép đã phải trì hoãn. Đáng buồn thay, trong một số trường hợp, việc trì hoãn này đã khiến bệnh nhân trở nặng, và có thể họ sẽ không thể cấy ghép được nữa vì đã bỏ qua cơ hội".
Hội chứng Sezary là gì?
Hội chứng Sezary là một dạng u tế bào lympho T ở dưới da. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các tế bào T (một loại tế bào bạch cầu) bị rối loạn, từ đó trở thành tế bào ung thư và ảnh hưởng đến da.
Dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này là bệnh nhân sẽ bị phát ban đỏ toàn thân, hạch bạch huyết mở rộng, rụng tóc, mệt mỏi, sụt cân bất thường, đau bụng dai dẳng, đi tiểu thường xuyên, nhanh no, hay bị đầy hơi và đặc biệt là da ở lòng bàn chân và bàn tay trở nên cứng.
Mặc dù hội chứng Sezary có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường được chẩn đoán ở người lớn trên 60 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình có một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên thì nên trình bày với bác sĩ về thời gian và tần suất của các triệu chứng nhằm tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, tập trung kiểm soát các triệu chứng là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc và điều trị.
Nguồn: The Sun