Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Đặc sắc Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín gian

Ngày 28/2, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín gian lần thứ nhất năm 2019.

Một trong những tiết mục đặc sắc tại Lễ hội đền Chín gian: Ảnh Lê Dung


Theo truyền thuyết đền Chín gian là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái có từ xa xưa, được dựng tại vùng người Thái Mường Chiếng Ván, châu Thường Xuân. Đến năm 1937 được di chuyển về dựng lại trên đỉnh núi Pú Pỏm (Đồi tròn) thuộc Mường Cháng, tổng Quân Nhân, nay thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân huyện Như Xuân.

Phía dưới ngôi đền là dòng suối Tốn, có bến Tá Tạo (Bến Quan). Đền Chín gian xưa có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (đền Hiến Trâu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ “Pú Pỏm” và cạnh dòng suối Tốn, nay thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.

Sau nhiều năm bị xuống cấp, từ tháng 4/2016 đền được khởi công tôn tạo và hoàn thành vào tháng 9/2017. Đền được phục dựng theo kiến trúc nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm chín gian trên nền của ngôi đền cũ. Việc thờ tự các thần linh và chín mường vẫn như ngôi đền cũ trước đây; ngoài ra, trong đền còn thờ các anh hùng liệt sỹ nhằm tri ân công lao của những người con ưu tú của quê hương Như Xuân đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, đền Chín Gian đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và là công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu của huyện Như Xuân.

Một trong những nét đặc biệt tại Lễ hội đền Chín gian là Lễ hội dâng trâu tế trời. Lễ vật đặc trưng và quan trọng nhất của lễ hội Dâng trâu tế trời là con trâu tơ khỏe mạnh, chưa dùng cày kéo và không có các khuyết tật, dị tật cơ thể. Cùng với đó, chín mường phải chuẩn bị thêm 9 con lợn con, 90 con gà nhỏ, 90 cặp cá khô và một chum rượu cần.

Lễ dâng trâu tế trời để tưởng nhớ và cầu mong Thần phù hộ, che chở cho cuộc sống bản mường. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào cùng hướng về cội nguồn, ghi tạc công ơn các thế hệ cha ông và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Sau 75 năm gián đoạn, lễ hội Dâng trâu tế trời đền Chín Gian đã được khôi phục và tổ chức lại theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong huyện.