Lễ hội đền Mưng có lịch sử tồn tại gần 1.400 năm. Đây là lễ hội lớn, đặc sắc của người dân ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống (Thanh Hóa).
Theo truyền thuyết, vào năm 618 Tham xung tá quốc Lê Hữu - con trai út của Lê Ngọc - một quan lớn của nhà Tùy không chịu khuất phục sự thống trị hà khắc của nhà Đường, cùng với 3 người con trai với sự ủng hộ của nhân dân trong vùng đã tụ binh khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, thế trận không cân sức nên cha và 2 anh trai của ông đã hy sinh. Với lòng căm thù, ông lên ngựa cầm quân thay cha đánh giặc. Trên đường truy kích ông bị quân giặc bao vây, trong một trận giao tranh sinh tử ông bị giặc chém rơi đầu… Ông nhặt đầu lên và tiếp tục thúc ngựa chạy về đến núi Côn Minh bên dòng Lãng Giang hét lên một tiếng, ném đầu xuống sông và hiển thánh. Đó là ngày mùng 5/3 âm lịch. Người chị gái từ Nghệ An ra cứu viện, biết tin em hy sinh, nên đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự vẫn để giữ trọn khí tiết, xác trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa ba sông là sông Lãng, sông Hoàng và sông Yên thuộc địa phận xã Tế Nông ngày nay thì nổi lên, được nhân dân vớt lên an táng. Ghi nhớ công ơn của cha con ông, nhân dân trong vùng đã lập bàn thờ. Đến thời hậu Lê thế kỷ thứ XV được nhân dân xây dựng thành đền thờ gọi là đền Mưng thuộc làng Mưng, tức là làng Côn Sơn, xã Trung Thành ngày nay.
Khi thực dân Pháp đô hộ, đền Mưng được di dời nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đất nước đổi mới khu di tích đền Mưng được trùng tu và năm 1994 được công nhận là di tích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, hàng năm cứ đến ngày mùng 5/3 âm lịch, cán bộ, nhân dân trong làng lại tưng bừng tổ chức lễ hội, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Tham xung tá quốc Lê Hữu, tục gọi là chàng Út Lãng Đại Vương.
Theo tục lệ, Lễ hội đền Mưng 1 năm tổ chức 2 lần. Lần thứ nhất là lễ hội bơi thờ (đua thuyền trên sông Lãng đoạn gần đền Mưng); lần thứ hai là chính kỵ và lễ hội chèo thờ.
Một nét đẹp văn hóa đặc sắc trong lễ hội đền Mưng mà nhân dân trong làng còn lưu giữ được đó là tục hát chèo thờ. Để chuẩn bị cho hội chèo thờ, 8 làng của hai xã Trung Thành và Trung Chính sống quanh sông Lãng (thực địa sẽ diễn ra “chèo nước” - tức hát chèo dưới nước) đã có một “cuộc họp nội bộ”, thống nhất không đánh cá giống gồm cá trôi, trắm, gáy, mè từ đầu tháng Giêng.
Theo quyết định cuộc họp các làng sống xung quanh đưa ra thì nếu ai phạm luật bắt cá giống trên sông Lãng Giang sẽ bị làng phạt vạ hoặc bằng tiền hoặc phải quỳ ba ngày ba đêm sám hối trước Đức Thánh Lưỡng ngũ vị thờ tại đền Mưng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ hội người dân trong vùng lại tạm gác lại mọi công việc để kéo nhau đến tham dự.
Khi các thuyền chuẩn bị xuất phát cũng là lúc người dân hai bên bờ hò dô, cổ vũ. Sau mõ lệnh, các thuyền xuất phát, đi cách nhau đúng 100m (đo bằng dây thừng). Đi trước là hai thuyền phát đường, kế đến là thuyền hương án, tiếp theo là thuyền chính ngự và cuối cùng là thuyền phù giá. Đội thuyền dời bến Đá (sau đền Mưng) đến đâu thì trên bờ, voi nan, ngựa giấy, người đeo mặt nạ, lính cầm bát bửu theo hầu trò đến đấy. Đoàn thuyền theo dòng Lãng Giang uốn lượn xuôi xuống đền vua bà (cách đền Mưng 10km), đến mỗi làng trên khúc sông thuyền xuôi qua, theo thói quen các nữ chèo lại cất lên những câu hát quen thuộc trong 28 làn điệu chèo cổ làng Mưng.
Khi thuyền đến làng Vặng, các nữ chèo hát: “Thuyền rồng đã đến Vực Si/ Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?”. Các nữ chèo vừa đi vừa hát, đến trước cửa Tam Giang (đền thờ thánh nữ Tam Giang) thì thuyền đậu lại. Lúc này, người trên bờ đông nghịt lại cất tiếng hò: “Lạy trời lạy Phật lạy vua/ Năm nay được mùa, làng họ ăn tham”. Làm lễ xong, ông từ cùng các bô lão phải vào xin rước thánh về. Trong lúc chờ đợi, làng sở tại lại hát tiếp cho đến khi nào các cụ xin âm dương cho “chị em” chia tay nhau mới thôi.
Ngày nay, đền Mưng không chỉ là nơi để bà con dân làng đến dâng hương tế lễ mà còn thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh. Với ý nghĩa và giá trị di sản, Lễ hội đền Mưng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 4605, ngày 20/12/2019.
Ngày 16/4/2021 (tức ngày mùng 5/3 âm lịch), tại xã Trung Thành, UBND huyện Nông Cống tổ chức Lễ công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống.
Theo ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Lễ hội đền Mưng là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, hình thành trong đời sống nhân dân. Lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhân dân xã Trung Thành nói riêng, mà còn là niềm tự hào của huyện Nông Cống nói chung; là nơi giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa với nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa của lễ hội...