*Thưa bà, đại dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, điều này sẽ tạo ra những thách thức như thế nào đối với thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam?
- Ngay từ khi dịch bùng phát trên toàn cầu, năm 2020, theo gợi ý của Oxfam, các nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London và Đại học Úc đã tính toán xem có bao nhiêu người nữa có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói bởi cuộc khủng hoảng coronavirus toàn cầu. Nghiên cứu sau đó đã được xuất bản trên Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Đại học Thế giới của Liên Hợp Quốc cũng như được Oxfam công bố trong báo cáo “Dignity not Destitution” [Phẩm giá, chứ không là sự khốn cùng]. Theo đó, xét trên toàn cầu, có tới nửa tỷ người (tương đương 8% dân số thế giới) có thể rơi vào cảnh nghèo đói do hậu quả của dịch bệnh COVID-19. Tác động cũng không đồng đều theo nhóm người và vùng địa lý.
Kết quả cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Do tác động của đại dịch, tỷ lệ nghèo trên đầu người của Việt Nam theo ngưỡng 5,50 đô-la Mỹ/ngày dự báo tăng lên từ 3 đến 10 điểm phần trăm tùy vào mực độ tác động của đại dịch. Mức tăng này nằm trong nhóm 20 nước có mức tăng cao nhất trên thế giới. Đánh giá nhanh của Viện Khoa học xã hội gần đây cũng cho thấy, tính đến tháng 7/2021, 63,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019).
Xét trên yếu tố nghèo đa chiều, người dân gặp nhiều khó khăn và gặp thiếu hụt ở nhiều chiều. trong đó, các nhóm yếu thế ở Việt Nam cũng như tại các nước đang phát triển, có khả năng cao chịu thiếu hụt các chiều cạnh quan trọng, như giáo dục và sức khỏe/y tế. Theo nghiên cứu của Oxfam, năm 2020, bên cạnh việc khiến các trường học phải tạm thời đóng cửa ở 180 quốc gia, đại dịch đã tước đi gần 4 tháng học tập của trẻ em ở các nước nghèo nhất, so với xấp xỉ 1,5 tháng học tập của trẻ em ở các nước có thu nhập cao.
Về ngắn hạn, tình trạng mất/giảm thu nhập sẽ tác động tới các nhóm thu nhập thấp, không/ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội và điều này tạo ra nhóm nghèo mới hoặc tái nghèo. Trong trung hạn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và một số ngành bị hạn chế hoạt động cũng chịu ảnh hưởng lớn, bất lợi về việc làm. Về dài hạn, khả năng tự phục phục hồi và các giải pháp hỗ trợ phục hồi sau covid không bình đẳng và bao trùm sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách giầu nghèo giữa các nhóm dân cư.
*Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các gói an sinh nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, vượt qua đại dịch. Bà đánh giá như thế nào về các gói hỗ trợ an sinh của Việt Nam?
- Oxfam hoan nghênh chính sách nhân văn và kịp thời của Chính phủ, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Các chính sách đã có một số điều chỉnh kịp thời, mở rộng các nhóm đối tượng hưởng lợi, với những hướng dẫn thực hiện cụ thể và thời gian thực hiện rõ ràng hơn.
Nghiên cứu trên toàn cầu của Oxfam chỉ ra độ phủ của cứu trợ khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là 38.18%, ở mức trung bình khá so với các quốc gia được so sánh. Nhưng các gói hỗ trợ của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với giá trị các gói cứu trợ của các nước thuộc khu vực ASEAN trong đại dịch. Câu hỏi đặt ra đối với gói cứu trợ không chỉ là độ phủ, mà còn là tác động, tính hiệu quả và tăng cường khả năng thích ứng với cú sốc khác trong tương lai của các gói cứu trợ.
Những khuyến nghị của Oxfam dành cho Việt Nam là gì thưa bà?
-Chính sách sẽ có vai trò rất quan trọng nhằm giải quyết thách thức kép, vừa kiểm soát/thích ứng với covid, vừa giảm nghèo và bất bình đẳng. Nếu không làm tốt thì đói nghèo lại có thể được tao ra do chính chính sách, ví dụ chính sách hạn chế đi lại hoặc tham gia thị trường lao động, một mặt kiểm soát covid, mặt khác gây bất lợi về thu nhập/việc làm. Điểm mấu chốt là các chính sách trong giai đoạn phục hồi cần tập trung rõ ràng vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất do tác động của covid.
Để ngăn ngừa tái nghèo và hỗ trợ nhóm nghèo mới, chính sách cần hướng tới tối đa hóa hỗ trợ tiếp cận y tế và vắc xin, giáo dục, thu nhập thông qua bảo hiểm y tế đối với nhóm nghèo và cận nghèo, bên cạnh hỗ trợ phục hồi của doanh nghiệp và kích cầu kinh tế. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào ứng phó, phục hồi covid với môi trường pháp lý thuận lợi.
Giảm nghèo đi liền với giảm bất bình đẳng. Gây dựng nền kinh tế nhân văn, vì lợi ích của người dân và bảo vệ môi trường; tăng cường chủ động thích ứng với cú sốc, dịch bệnh và thảm họa là vấn đề cốt lõi trong giải pháp giúp Việt Nam phục hồi bền vững, không để ai bỏ lại phía sau.
Oxfam đã triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch như thế nào thưa bà?
-Ngay sau khi xảy ra các làn sóng Covid thứ nhất và thứ hai tại Việt Nam trong năm 2020, Oxfam và các đối tác địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức tại cộng đồng và trong nhà trường về khuyến khích thực hành vệ sinh, phòng chống dịch bệnh Covid sau bão, lũ trong năm 2020 tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.
Song song với các hỗ trợ nhân đạo trực tiếp tới các cộng đồng bị ảnh hưởng do thiên tai, Oxfam tại Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (M-NET), các cơ quan đối tác truyền thông để vận động chính phủ nhằm mục tiêu thiết kế các gói cứu trợ tốt hơn (gói đầu tiên vào năm 2020, gói thứ hai vào năm 2021).
Chiến dịch toàn cầu “Vắc-xin miễn phí cho tất cả mọi người” do Oxfam Quốc tế và Liên minh Vắc-xin cho tất cả mọi người cùng khởi xướng đã khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong khối ASEAN trong các nỗ lực ngoại giao vắc xin hiệu quả để ứng phó chủ động với làn sóng thứ 4 của đại dịch.
Với ngân sách gần 4.5 tỷ đồng, dự án “Cứu trợ nhân đạo ứng phó với Covid-19” năm 2021 được thiết kế đa dạng theo nhu cầu của người nhận, từ tiền mặt, thực phẩm thiết yếu, khẩu trang và vật tư y tế, … đến các biện pháp cải thiện tinh thần như đường dây nóng hỗ trợ tâm lý xã hội, tư vấn tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ người hưởng lợi sẽ hỗ trợ cho hơn 4.000 lao động phi chính thức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương từ nay đến cuối năm 2021.
Hỗ trợ người dân ứng phó với các tình huống khẩn cấp như thiên tai và dịch bệnh đã và đang là một trong những ưu tiên của Oxfam tại Việt Nam. Oxfam tự hào được nhiều đối tác và các nhà tài trợ uy tín như Chính phủ Bỉ, các đại sứ quán Thụy Sĩ, đại sứ quán New Zealand, Quỹ lời kêu gọi ứng phó Covid-19 của Oxfam Quốc tế tín nhiệm tài trợ cho các hoạt động này. Oxfam sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định các ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ cộng đồng sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và nỗ lực huy động bổ sung các nguồn lực trong giai đoạn phục hồi và tái thiết sau đại dịch trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà!