Theo chỉ dẫn của một cán bộ xã Thới Hòa (huyện Bến Cát, Bình Dương), chúng tôi tìm đến nhà “đại gia” Khoa vào một buổi sáng giữa tháng 10. Căn nhà đóng cửa im ỉm, tịch không một bóng người. Chị hàng xóm thấy vậy khuyên chúng tôi tối hãy quay lại vì ngày nào vợ con ông Khoa cũng đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Người này còn cho biết thêm, từ hồi sạt nghiệp không thấy ông Khoa quay về làng nhưng nghe nói vẫn còn liên lạc với vợ con.
Người hàng xóm mách: “Nếu em gấp quá thì ra ngoài bãi cỏ hoang ấp 3 trong Khu công nghiệp Mỹ Phước hỏi “Dũng chăn trâu” ai cũng biết”. Chia tay chị hàng xóm nhiệt tình, chúng tôi tới khu đất trống ấp 3 tìm con trai ông Khoa nhưng thanh niên này đã lùa trâu đi ăn ở bãi cỏ khác. Gọi điện thoại, vừa nghe nhắc đến tên “ông già”, người con trai đã nổi cạu, xẵng giọng ngắt lời: “Tui không biết ổng ở đâu, cũng chẳng quan tâm đến mấy chuyện ổng làm. Mẹ con tui cũng là nạn nhân của ổng...” rồi cúp máy cái rụp.
Tiếp tục dò hỏi, cuối cùng chúng tôi cũng lần ra số của “đại gia” Khoa. Khác với vẻ khó chịu của cậu con trai, ông Khoa tỏ ra rất hồ hởi nhưng nói đang trong giờ làm nên hẹn gặp sau. Đúng hẹn, ông Khoa có mặt trong bộ đồ bảo vệ khá mới. Ông cười tươi nhưng vẻ mặt vẫn khá ngượng ngùng nói: “Chuyện đã qua lâu rồi, ai cũng biết có muốn giấu cũng không được nhưng mà kể lại thấy xấu hổ quá”.
Rồi chưa để phóng viên kịp hỏi, ông đã tiếp lời: “Mà người ta nói tôi dại gái là không đúng lắm. Tôi chẳng dại ai cả, tính tôi đa tình nên yêu nhiều, mà hễ yêu là có con. Con mình thì mình phải lo, phải có trách nhiệm bởi thế mới hết sạch tiền...”.
Người đàn ông đại gia một thời.
Ông Khoa tự nhận mình có số đào hoa từ thời trẻ, dù nghèo rớt mồng tơi nhưng đi đến đâu là có người thương đến đó. Hồi còn là bộ đội đóng quân tại Bình Phước, ông có tình cảm với một cô thôn nữ, đến khi đơn vị chuyển đi nơi khác thì hai người mất liên lạc. Tưởng cuộc tình đã kết thúc ở đó không ngờ sau này, ông mới hay tin, cô gái đã sinh cho mình một cậu con trai kháu khỉnh. Tiếc là lúc đó ông đã lập gia đình, cuộc sống lại khó khăn nên không thể trở lại để bù đắp cho người tình.
“Tính tui đào hoa, ai thương cũng không nỡ từ chối khiến hai vợ chồng thường xuyên cãi lộn. Mấy năm sau thì ly hôn, cô ấy ôm con về nhà cha mẹ đẻ sống”, ông Khoa kể. Sau khi được tự do, ông Khoa liền đi tìm cô thôn nữ năm xưa thì người yêu đã đi lấy chồng. Nhưng vốn đa tình, chỉ độ một năm sau, ông Khoa đã cưới vợ mới. Ông hóm hỉnh: “Đây là người vợ chính thức sau cùng của tôi, cũng là người già nhất trong các bà vợ. Bả sống cam chịu, chồng có chở bồ đi trước mặt cũng chẳng thèm ghen”.
Hết thời đại gia đến thời chăn trâu
Nhớ lại quá khứ vàng son, ánh mắt “tỷ phú” Khoa thoáng chút buồn xen lẫn nuối tiếc trần tình: “Nếu như được quay trở lại, tôi sẽ không để chuyện này xảy ra”.
Theo đó, năm 2004, tỉnh Bình Dương tiến hành xây dựng khu công nghiệp Mỹ Phước 3, hơn 8 hecta đất trồng cây cao su của ông Khoa đều nằm trong khu vực đền bù giải tỏa. Vì ở vùng trung tâm nên đất của ông có giá đền bù cao nhất. Mỗi hecta đất được đền bù tới 530 triệu đồng. Ngoài ra còn có nhiều khoản bồi thường khác. Vậy là, chỉ trong nháy mắt ông Khoa có gần chục tỷ đồng, số tiền lớn đến có ngủ ông cũng không mơ tới.
Ngày nhận tiền cả nhà ông ôm nhau khóc vì vui sướng. Họ bàn tính sẽ xây cho mỗi đứa con một căn nhà thật lớn, số tiền còn lại sẽ kinh doanh, gửi ngân hàng đặng an tâm an dưỡng già. Tuy nhiên, chỉ sau thoáng chốc, ông Khoa chợt nghĩ đến cô công nhân xinh đẹp mà ông vẫn thầm yêu trộm nhớ. Đó là cô gái tên Liên quê miền Tây, ông Khoa quen biết cô ta khi cả hai cùng làm chung.
Năm 2003, khi ông Khoa làm bảo vệ thì Liên là công nhân xa nhà, cô ấy rất xinh đẹp nhưng hay bị các “ma cũ” chèn ép. Nhiều lần được ông Khoa ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ nên cả hai trở nên thân thiết. Cô gái thỉnh thoảng lại ghé qua phòng bảo vệ trò chuyện. Chính sự ngây thơ, đáng yêu của “người đẹp” đã khiến ông Khoa “say nắng” toàn tập nhưng nghĩ mình phận nghèo, lại đáng tuổi cha chú nên chỉ dám để trong lòng. Thật không ngờ, sau ngày ông Khoa có được núi tiền, khi gặp lại nhau chính cô gái lại thổ lộ đã yêu “đại gia” ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ông lão chua chát: “Chẳng biết cô ấy yêu tôi thật hay yêu mấy bao tiền tôi mang tới nữa”. Mặc dù vậy chỉ cần ở bên người đẹp là đủ nên ông quên luôn vợ con, quên luôn những dự định ban đầu, có bao nhiêu tiền cung phụng hết cho bồ nhí. Vợ con tìm đến nhà “tình địch” để ngăn cản thì ông hùng hồn tuyên bố: “Đất là của cha mẹ để lại cho tôi, tôi thích tiêu gì, làm gì bà không có quyền xét nét”. Người vợ vốn cam chịu đuối lý đành cùng con lủi thủi ra về.
Ngay ngày hôm sau ông Khoa quay về nhà phân chia tài sản. Sau khi chia cho vợ con 2 miếng đất nền, tiền bạc đủ để xây nhà và ít vốn làm ăn thì ông dọn tới ở hẳn với cô bồ nhí. Có nhiều tiền, ông còn đi tìm lại hai người con của nhân tình và vợ trước để cho họ tiền. Những dịp lễ tết cũng không quên quà cáp cho hai con còn lại để cho người tình.
“Chú sắm sửa cho Liên không thiếu một thứ gì, quần áo, giày dép đều là hàng hiệu. Cô ấy đeo vàng đỏ người, đi xe máy xịn, tiền lúc nào cũng đầy bóp. Chú còn về tận miền Tây mua đất cất nhà, tậu xe biếu cha mẹ vợ”, ông Khoa kể.
Đã nhìn thấy gương “dại gái” của những “đại gia chân đất” hàng xóm nên lúc đầu ông Khoa cũng đặt dấu hỏi về việc “vợ bé” có thật lòng yêu mình hay không. Tuy nhiên đến khi “nàng” sinh cho ông một cậu con trai bụ bẫm thì mọi sự hoài nghi đều tan biến. “Khi Liên sinh cho tôi một đứa con, tôi nghĩ cô ấy đã thật lòng thật dạ với mình nên giao hết gia tài cho vợ quản lý. Thế là cuối cùng, tôi bị lừa mất sạch...”, ông Khoa kể.
Ông nhớ lại, thời gian đó, ông có việc cần đến tiền nhưng khi hỏi thì Liên lại nói đã tiêu hết sạch. Hỏi tiêu những gì thì “vợ bé” không thèm trả lời. Mấy ngày sau Liên âm thầm ôm con về quê. Ông Khoa rơi vào cảnh đói ăn từng bữa. Nhớ vợ, nhớ con, ông chạy về miền Tây kiếm nhưng bị gia đình “vợ” xem không bằng người dưng. Năm 2011, Liên đưa con sang Đài Loan cắt đứt mọi liên lạc. Ông Khoa trở thành kẻ trắng tay, thất thểu trở về Bình Dương lang thang khắp nơi, làm đủ thứ việc kiếm sống.
Cuối năm 2012, nhờ một người bạn cũ giới thiệu, ông được một chủ trang trại thuê đi chăn trâu. Tiền công cùng tiền làm thêm từ việc nhặt phân trâu bán cũng được mỗi tháng 5 triệu đồng. Có chút đồng vào đồng ra, “đại gia” mới dám trở về làng thăm gia đình. Vợ ông, sau những biến cố xảy ra dù không xua đuổi chồng nhưng chẳng bao giờ nói với ông nửa lời. Còn mấy đứa con thì thường kiếm cớ ra ngoài khi cha có mặt.
Để chuộc lỗi, khi biết con trai đang thất nghiệp, ông liền nhường lại đàn trâu cho con chăm để đi xin việc khác làm. Ông cười ha hả bảo: “Cũng may là tôi chỉ mang tiếng dại gái chứ không mang tiếng trộm cắp nên còn xin được việc. So với người khác cuộc đời tôi đã rất may mắn. Nhưng nếu được quay lại, chắc chắn tôi sẽ không để chuyện này xảy ra. Tôi mong những chia sẽ này sẽ là bài học cho những ai, đang và sắp sa ngã tỉnh ngộ”
(Tên nhân vật đã được thay đổi)