Gạch nối “con đường tâm linh”
Theo ông Trường, đề án về một khu du lịch tâm linh Hương Sơn quy mô khoảng 1.000ha với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ mà báo chí đang thông tin chỉ là “gợi ý” của đơn vị đối với UBND TP Hà Nội để có một cảnh quan xứng tầm đối với khu danh thắng - tâm linh chùa Hương.
“Đó là phương án và kinh phí mà nếu quy hoạch lại khu chùa Hương thì nên làm như thế. Tôi đưa lên như thế để bất kỳ DN, cá nhân nào có tâm, tầm thì đầu tư chứ không phải nhận cho mình”, ông Trường nói.
Đại gia Ninh Bình cũng cho biết, ý tưởng này là một phần trong dự án xây dựng tuyến đường tâm linh kết nối di sản có chiều dài khoảng hơn 100km nối 10 di sản nổi tiếng của Việt Nam.
“Trên thế giới, các địa danh nổi tiếng về tâm linh, các tín đồ đều có những con đường hành hương của mình. Người ta có thể đi bộ cả tháng trời để tới Santiago de Compostela (Tây Ban Nha), Kumano Kodo ở Nhật Bản hay thánh địa Mecca… Đi bộ mới có thời gian để suy ngẫm cho chính mình.
Ông Nguyễn Văn Trường |
Ở Việt Nam, chúng ta có nhiều địa danh, thắng cảnh được Unesco xếp hạng. Thế nhưng, chưa có con đường tâm linh nào kết nối các địa danh đó lại với nhau. Ý tưởng của tôi là xây dựng sơ đồ con đường tâm linh kết nối di sản”.
Doanh nghiệp Xuân Trường đã trình xin ý kiến Thủ tướng. Theo đó, “con đường tâm linh” sẽ kết nối 10 di sản, gồm: Cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư – động Am Tiêm, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Quan Sơn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.
“Việc xây dựng con đường tâm linh kết nối di sản này không phải một sớm một chiều, không phải một DN có thể làm được. Dự án này nếu thành hiện thực thì sẽ cần xã hội hóa, cần huy động những DN thực sự có tâm, tầm”.
Khu tâm linh chùa Bái Đính được ông Trường xây dựng trong gần 20 năm, huy động hàng chục ngàn tỷ đồng. Khi hoàn thành, ông đã làm hồ sơ trình Unesco để công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam) hàng chục ngàn tỷ đang được doanh nghiệp này gấp rút xây dựng |
“Tâm nguyện của tôi là xây dựng xong sẽ làm đề án để được công nhận di sản, sau đó trả lại cho Nhà nước, nhân dân vì đó là tài sản chung của quốc gia, không phải tài sản riêng của cá nhân nào”.
Siêu dự án chùa Hương: Chỉ là gợi ý
Về dự án xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Hương với quy mô 1.000ha, tổng đầu tư khoảng 15.000 tỷ, đại gia Xuân Trường khẳng định đó chỉ là gợi ý của DN đối với UBND TP Hà Nội.
“Trong sơ đồ con đường tâm linh kết nối di sản này, chùa Hương nằm gần với khu Tam Chúc đang được xây dựng, chỉ cách 6km. Khi hoàn thành, du khách từ chùa Hương sang chùa Tam Chúc rất gần và có thể đưa vào trong hành trình lễ Phật của mình.
Ý tưởng "Con đường tâm linh kết nối di sản" đang được ông Trường ấp ủ |
"Bên cạnh một công trình lớn như chùa Tam Chúc, hiện trạng chùa Hương bây giờ đúng là có sự chênh lệch nếu như so sánh. Phương án mà chúng tôi trình Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ là gợi ý để nếu có triển khai thì cũng nên làm quy mô xứng tầm như vậy. Với phương án đó, đơn vị nào có đủ sức thì sẽ tham gia vì một mục tiêu chung”, ông Nguyễn Văn Trường nói.
Dự án chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) đang được Xuân Trường gấp rút xây dựng để kịp đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Vesak tổ chức vào tháng 5/2019.
Theo lộ trình, chủ đầu tư sẽ đưa quần thể khu du lịch Tam Chúc là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2028.
Phương án xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Hương với quy mô 15.000 tỷ đang đề xuất được các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng "nên cẩn trọng".