Các đại biểu đều chung nhận định văn hóa thể hiện ở các giá trị chân thiện mỹ và văn hóa dân tộc là một nội dung quan trọng trong giáo dục ĐH.
ThS Nguyễn Minh Hải, ĐHQG TP HCM, cho rằng giá trị văn hóa của mỗi con người, mỗi dân tộc đều chứa đựng và được thể hiện trong nội dung, chương trình dạy học; ngược lại, các chương trình dạy học cũng nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa, nhân cách con người. Muốn bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng nhân cách con người, trước hết phải dựa vào giáo dục. Hiện tượng tha hóa đạo đức, suy giảm các giá trị văn hóa đang tồn tại trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
“Giáo dục ĐH phải lấy giáo dục văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần đào tạo ra con người phát triển toàn diện. Bản lĩnh dân tộc sẽ giúp thế hệ trẻ vượt qua các cám dỗ từ văn hóa hưởng thụ, thúc đẩy năng lực sáng tạo của sinh viên” - ThS Hải nhận định.
ThS Vũ Thị Thu Hiền, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cũng cho rằng một bộ phận sinh viên dưới tác động của xu hướng vọng ngoại và những mặt trái của quá trình hội nhập đã xa rời truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Không ít sinh viên ngày đêm cuốn vào các trò chơi điện tử, online mang nặng tính bạo lực, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian học tập. Không ít sinh viên say mê với ấn phẩm, văn hóa không lành mạnh, độc hại dẫn đến những hành động suy đồi đạo đức, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, ngôn ngữ dùng trong các cuộc chuyện trò trên các mạng xã hội, tin nhắn cũng bị một số bộ phận giới trẻ, nhất là sinh viên, biến tấu với những ngôn từ khó hiểu, thậm chí phản cảm và dung tục nhưng vẫn sử dụng một cách tràn lan. Một số sinh viên thích hưởng thụ dẫn đến lối sống thực dụng...
Các đại biểu cho rằng nếu sinh viên nhận thức và tiếp thu được những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc như lòng yêu nước, tự cường, lòng nhân ái, bao dung thì họ sẽ biết xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội; sống có trách nhiệm, biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh; tránh xa lối sống thực dụng, chỉ muốn hưởng thụ mà không chịu cống hiến. Từ đó, họ sẽ tích cực tham gia sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ThS Nguyễn Minh Hải, một số nội dung giáo dục văn hóa dân tộc quan trọng cần có trong giáo dục ĐH như: giáo dục việc giữ gìn các di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục lòng thành kính, tôn thờ tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục mình; giáo dục việc giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…
Nhiều đại biểu cũng cho rằng các trường ĐH phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo thuận lợi cho sinh viên học tập, rèn luyện.
PGS-TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng đã từ lâu dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng về tình trạng nhiều hoạt động văn hóa, nhiều sân chơi giải trí bị Tây hóa, rất xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc. Sự du nhập ồ ạt, tràn lan nhiều trò chơi trực tuyến, phim, nhạc nước ngoài là một trong những lý do chủ yếu khiến một bộ phận giới trẻ bị mắc những căn bệnh mà các nhà tâm lý học gọi là “tâm thần mới” như nghiện game, phát cuồng thần tượng, nô lệ của giới thế ảo…
Nếu không sớm có chính sách xây dựng nền công nghiệp văn hóa đủ mạnh để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, nguy cơ các làn sóng văn hóa ngoại quốc tiếp tục xâm lấn ngày càng sâu vào giới trẻ và có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường.