Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đại lễ Vu lan: Thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức dân tộc

Ngày 11/8/2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” là nhịp cầu kết nối yêu thương, gắn kết và đề cao tinh thần hiếu hạnh tốt đẹp của dân tộc, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc, đánh thức những tình cảm thiêng liêng tưởng như đã bị lãng quên trước dòng chảy thời gian.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng khách mời của chương trình.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, chương trình là hoạt động xã hội cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc, với mục đích truyền bức thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị  đạo đức cao đẹp của dân tộc, đặc biệt là đạo Hiếu trong xã hội ngày nay. Thông qua chương trình, lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo hiếu” nhằm tôn vinh những tấm gương hiếu thảo, đề cao và biểu dương tinh thần hiếu đạo, biến thành sức mạnh của dân tộc; làm sao để tinh hoa, phẩm chất truyền thống đó được tiếp sức, được lan tỏa và nhân lên bội phần trong đời sống mới.

Trong không gian thành kính và đầy xúc động của Pháp hội Vu lan, tất cả người con Phật đều hiểu rằng, để có được ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng máu xương và nước mắt. Vẫn còn đó nỗi đau của những người cha, người mẹ, các chiến sĩ, những người con ưu tú đã hy sinh khúc ruột của mình cho sự sống còn của đất nước. Với giai điệu trầm bổng và tiếng ca du dương, những tiết mục văn nghệ giúp cho khán giả thăng hoa trong cảm xúc, khơi gợi lên lòng tự tôn dân tộc, gợi nhớ đến ơn đất nước đồng bào, ơn chúng sinh vạn loại, ơn các anh chiến sĩ đã quên mình cho hòa bình, hạnh phúc của muôn người và làm bùng cháy tình yêu quê hương đất nước.  Xuyên suốt đêm giao lưu nghệ thuật, cả khán phòng đã được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ xúc cảm mãnh liệt, đầy tự hào về tinh thần tự hào dân tộc, đến rưng rưng vì nghẹn ngào, xúc động khi thưởng thức tiểu phẩm “Người đàn bà đeo kính đen”. Lấy ý tưởng từ câu chuyện người mẹ bị chột một mắt, các diễn viên đã xây dựng các tình tiết đầy cảm động và truyền tải thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng và đức hi sinh cao cả của người mẹ già. 

BTC trao giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc dự thi Cuộc thi sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Phật giáo đồng hành của dân tộc - câu này có ý nghĩa là Phật giáo luôn có mặt trên mọi phương diện phát triển của đất nước, trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Điển hình là tinh thần đề cao đạo hiếu trong nếp sống sinh hoạt thường ngày”.

Điểm đặc biệt trong chương trình Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” năm nay là phần trao giải cho các tác giả có tác phẩm dự thi “Sáng tác các tác phẩm về Đạo hiếu”. Các tác phẩm tham gia cuộc thi là tâm tư, tình cảm đại diện cho những người con thể hiện lòng biết ơn tới công lao trời biển của cha mẹ, của cộng đồng tới những người có công với đất nước… Ban tổ chức đã tập hợp những tác phẩm tiêu biểu để in quyển sách mang tên “Những tấm gương hiếu thảo” dành tặng cho các em học sinh như món quà tặng có ý nghĩa nhất trong mùa Vu lan 2016. Giải Nhất thuộc về tác giả TT. Thích Tâm Hiệp với tác phẩm “Đĩa ngô đầu mùa”. Giải Nhì là tác giả Phan Thị Thanh Nga, với tác phẩm “Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba”; tác giả Chu Minh Khôi với tác phẩm “Bậc danh tăng chí hiếu”. Các tác giả Nguyễn Nguyên An với tác phẩm “Kim Hạnh con dâu hiếu thảo”, Nguyễn Văn Thùy với “Những trang viết thơm thảo nghĩa tình”, Hà Quang Đức với “Bà nội” đoạt giải Ba. Ban tổ chức còn trao 10 giải Khuyến khích và 2 giải Hiếu hạnh (2 tác giả có nhiều bài dự thi nhất).

Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đêm giao lưu.                 Ảnh: Chu Lương

Khép lại đêm giao lưu nghệ thuật với nhiều dư âm cảm xúc và thành công viên mãn. Trong buổi tối giao lưu nghệ thuật Vu lan và trao giải cho các cá nhân đạt giải hay tác giả tác phẩm đạt giải, cũng có thể họ chưa phải là tấm gương điển hình nhất của tinh thần hiếu hạnh. Vì cuộc sống hiếu hạnh là cuộc sống vượt lên các quy luật thông thường của tự nhiên như trong Kinh sách đã mô tả: Trong muôn loài hương hoa, dù thơm bao nhiêu, hương thơm ấy chỉ bay theo chiều gió. Duy chỉ có gương hiếu hạnh tỏa thơm trong lành và đi ngược chiều gió, ngược cả quy luật tự nhiên trở thành hương thơm bất định, khó có thể mô tả được bằng ngôn ngữ. Đó chính là Tâm Hương - Hương Hiếu hạnh.