Theo đó, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên là đơn vị tuyến cuối thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh, Đoàn đã được lãnh đạo bệnh viện báo cáo tình hình thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19: Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện đang có 20 giường điều trị với đầy đủ trang thiết bị, máy móc đi kèm. Nơi đây đang điều trị 12 bệnh nhân COVID-19 nặng. Do trưng dụng lại từ khoa truyền nhiễm nên cơ sở vật chất của khu điều trị tương đối chật hẹp, chưa có cầu thang đẩy hoặc thang máy để di chuyển bệnh nhân và máy móc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị, máy móc còn thiếu, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị trong trường hợp số ca bệnh nặng vào điều trị tăng cao
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song thời gian qua, Bệnh viện vẫn nỗ lực đảm bảo công tác điều trị ở cả 2 mặt, điều trị bệnh COVID-19 và điều trị các bệnh lý khác. Bệnh viện đã đào tạo 176 nhân viên cho tất cả các bệnh viện trong tỉnh để có nguồn lực đảm bảo chuyên môn phục vụ công tác điều trị COVID-19. Đồng thời, đào tạo và đào tạo lại tất cả các y bác sĩ, điều dưỡng về chuyên ngành hồi sức cấp cứu của bệnh viện để phục vụ trực tiếp bệnh nhân vào điều trị tại đơn vị…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong công tác chăm sóc và điều trị COVID-19. Đồng thời mong rằng trong thời gian tới, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn để chiến thắng đại dịch, xác định "Tất cả vì sức khỏe người bệnh", giảm tối đa trường hợp tử vong, nâng cao tỷ lệ bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo điều trị hiệu quả, thành công bệnh nhân COVID-19, vừa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn, đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cho biết, hiện tỉnh đã và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu tiên cho đội ngũ y bác sĩ, trong đó có phương án ưu tiên tiêm vắc xin cho người nhà, người thân nhân viên y tế nhằm giúp họ yên tâm công tác…
Tại cơ sở cách ly tập trung của tỉnh tại Ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, Đoàn công tác đã được các cán bộ phụ trách báo cáo hoạt động tại cơ sở. Theo đó, khu cách ly tập trung của tỉnh tại Ký túc xá Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên hiện đang tiếp nhận 134 công dân là F1 của các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh vào cách ly tập trung. Các hoạt động quản lý người trong khu cách ly, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống lây nhiễm chéo cũng như chăm lo đời sống cho công dân trong thời gian cách ly tập trung luôn được các lực lượng thực hiện đầy đủ, bảo đảm theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành viên trong đoàn công tác chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mà đội ngũ cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân viên đang căng mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, mong muốn cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế, các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung tiếp tục khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch không chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tốt công tác theo dõi sức khỏe người cách ly theo quy định, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả.
Trong ngày Đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ tại Bệnh viên dã chiến số 1 nhân dịp Lễ Quốc khánh 2/9.
Theo đó: Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh đặt tại khu ký túc xá Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk đưa vào hoạt động từ ngày 28/7/2021, gồm 3 tòa nhà, với tổng cộng 180 phòng, 1.000 giường bệnh.
Hiện lực lượng làm nhiệm vụ tại đây có 104 người, gồm cả y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên X-quang, hộ lý, lực lượng an ninh…, đang điều trị cho 433 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Đây là bệnh viện tuyến 1 của tỉnh điều trị các ca F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng nhẹ.
Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 1 đã điều trị khỏi, cho xuất viện 109 bệnh nhân và 50 bệnh nhân được chuyển đi điều trị bệnh lý nền theo yêu cầu.
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, vất vả, hi sinh của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, mong muốn các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện giữ gìn sức khỏe, bảo đảm tốt nhất an toàn phòng, chống dịch, tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí cũng gửi lời hỏi thăm chân thành đến các bệnh nhân đang điều trị tại đây, mong các bệnh nhân tích cực phối hợp trong công tác điều trị, tuân thủ tốt các quy định phòng dịch, sớm khỏi bệnh, trở về gia đình.
Một số khó khăn mà Bệnh viện gặp phải trong thời gian qua sẽ được tỉnh chỉ đạo khắc phục sớm nhất. Đối với kiến nghị về đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để bệnh nhân đủ điều kiện ra viện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế có phương án cử chuyên gia hỗ trợ vận hành máy xét nghiệm quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, Bệnh viện cũng cần chặt chẽ trong quy trình tiếp nhận bệnh nhân F0 và giám sát đúng quy định về tiêu chuẩn cho bệnh nhân khỏi bệnh, đảm bảo an toàn khi xuất viện. Trong bối cảnh địa phương đang xét nghiệm bóc tách F0, đề nghị Bệnh viện dã chiến số 1 tăng cường chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng vận hành nâng lên 1.000 giường cho giai đoạn tới.
Nhân dịp này, Đoàn công tác đã trao 150 triệu đồng từ nguồn kêu gọi chung tay phòng, chống COVID-19 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ cho bệnh viện trong phòng chống dịch.