Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đắk Lắk: Hiệu quả từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm

Hàng nghìn hộ vay từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình; góp phần giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến tất cả điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể từ tỉnh xuống xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều tấm gương tiêu biểu của huyện trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm đã xuất hiện. Điển hình, gia đình anh Nông Quyết Định (thôn Đồng Tâm, xã Ea D'roh, huyện Cư M’gar) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Anh đã đầu tư thêm máy làm nguyên liệu tre thô, phục vụ sản xuất lồng chim và mở rộng lại nhà xưởng. Nguồn vốn vay này đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay đã tạo công ăn việc làm cho ba người, thu nhập mỗi người khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng.

Gia đình chị H’Đal Êban (buôn Ea Tlă, xã Đray Bhăng huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk ) trước đây là hộ nghèo. Chị lập gia đình từ năm 2011, do không có đất đai, nhà ở nên vẫn ở chung với bố mẹ. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, cùng sự chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm tích lũy, đến nay, gia đình chị đã có nhà ở ổn định, cuộc sống đầy đủ hơn. Chị H’Đal vui vẻ cho biết: “Gia đình mình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hai lần rồi. Lần đầu vay theo diện hộ nghèo được 20 triệu đồng để mua bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, bò đẻ được mấy con, từ đó có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế và thoát nghèo. Năm 2020, gia đình mình lại được vay vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng cà phê, tiêu. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn. Đến nay, thu nhập từ 3 sào cà phê và hơn 1 sào lúa nước một vụ, sau khi trừ các khoản chi phí cũng còn lại hơn 50 triệu đồng/năm, chưa kể tiền làm thuê tranh thủ trong những lúc nhàn rỗi… nên cũng đủ nuôi con cái ăn học”.

Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm, anh Nông đầu tư sản xuất lồng chim và mở rộng lại nhà xưởng.

Nhờ được vay vốn giải quyết việc làm, anh Nông đầu tư sản xuất lồng chim và mở rộng lại nhà xưởng.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk Thượng Văn Điệp: Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.

Hiện, nguồn vốn vay giải quyết việc làm tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt trên 181 tỷ đồng với 3.836 khách hàng vay. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào trồng trọt, kinh doanh buôn bán; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm; phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn như: dệt, may, thổ cẩm...