Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đắk Lắk lên phương án ứng phó với thiên tai dưới ảnh hưởng của El Nino

Lê NhuậnLê Nhuận
Lê NhuậnLê Nhuận

(Dân sinh) - Đắk Lắk đã lên các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra vào những tháng cuối năm 2024. Trước đó, tỉnh này đã hứng chịu nhiều ảnh hưởng khốc liệt của thiên tai do ảnh hưởng của El Nino trong 6 tháng đầu năm.

Nhằm sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Thiên Văn đề nghị:

Các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch ứng phó với những loại hình sự cố, thiên tai phù hợp với thực tế, tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai, đầu tư xây dựng công trình và trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…

Do thời tiết trên địa bàn thay đổi bất thường, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 1 đợt hạn hán và 5 trận dông, lốc, mưa đá gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh, ước tính tổng thiệt hại hơn 204 tỷ đồng. 

Đặc biệt, do ảnh hưởng của El Nino, mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh nắng nóng xảy ra khốc liệt trên diện rộng. Toàn tỉnh có trên 27.284 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng hạn, thiếu nước, trong đó có 1.453 ha bị mất trắng.

Tại thời điểm cao điểm nhất của mùa khô năm 2024 (cuối tháng 4/2024), trên địa bàn tỉnh có 4.175 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng về phòng chống thiên tai;

Theo dõi sát diễn biến thời tiết nhằm chủ động cung cấp thông tin, dự báo, cảnh báo để chủ động phòng tránh, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó, di dời, sơ tán người dân khi có thiên tai, chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”;

Tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng chống thiên tai, chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống sau thiên tai…

Vườn cây đang héo vì thiếu nước.jpg
Vườn cây cà phê của người dân tỉnh Đắk Lắk mùa khô hạn (Ảnh L-Nh)

Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Đắk Lắk còn một số khó khăn như ngân sách hàng năm bố trí cho phòng chống thiên tai còn hạn chế, các công trình cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai, đặc biệt là khu vực vùng sâu;

Hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ chứa còn thiếu nên việc truyền tải thông tin như lệnh vận hành hồ chứa từ cấp huyện đến người dân còn mất nhiều thời gian, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.

Tình hình khí hậu diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên những cơn mưa lớn kéo dài những ngày qua gây sạt lỡ ngụp úng làm thiệt hại cho người dân, mới đây trên địa bàn huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk có mưa, mưa rất to liên tục trong nhiều giờ, nên lượng nước suối Đắk Liêng và Đắk Phơi tràn về quá nhanh đã gây ngập lụt cục bộ 50 ngôi nhà ở xã Đăk Liêng, nước lũ còn nhấn chìm hơn 300 ha lúa nước trên địa bàn huyện Lắk bị ngập lụt.

Ngập lụp.jpg
Nước lũ còn nhấn chìm hơn 300 ha lúa nước trên địa bàn huyện Lắk (Ảnh L-Nh)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, UBND huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, địa phương theo dõi tình hình thực tế, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, giao UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó. 

Khi có sự cố xảy ra, tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.