Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đắk Lắk phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, bước qua nghèo khó


Đoàn công tác thăm gia đình anh Bùi Văn Tương.



Người dân chuyển đổi nghề mới với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách xã hội


Nằm ở Trung tâm vùng Tây Nguyên, lợi thế phát triển cây công nghiệp của Đắk Lắk đã gắn với nhiều thương hiệu hàng hóa như cà phê hồ tiêu, ca cao... Song câu chuyện giảm nghèo, phát triển bền vững của tỉnh không dễ trong một cộng đồng dân cư đến 47 dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Ê Đê, M’Nông, Thái, Tày, Nùng..., chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ nhiều năm qua đã trở thành công cụ trợ lực chính, trực tiếp cho tỉnh để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo.


Theo dọc con đường bê tông phẳng lỳ lên giữa bạt ngạt màu xanh của cà phê,  theo chân Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG do Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn về thăm xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn. Đã không còn màu khói xám bao phủ vởn quanh vùng đất vốn là nơi nghề đốt than phát triển những năm trước, thay vào đó là những nghề mới được người dân chuyển đổi với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách xã hội, thậm chí “làm dày” thêm thương hiệu bánh tráng Nhơn Hòa của vùng đất này. Như gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar, giờ không chỉ có của ăn mà còn có của để từ nguồn vốn vay ưu đãi hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 50 triệu đồng mua thiết bị làm bánh tráng và công trình cung cấp nước sạch, làm nhà vệ sinh hợp lý đầu năm 2019.
 


Đoàn công tác thăm mô hình gia đình anh Trương Thạch Thảo ở thôn 7, xã Ea Bar làm nghề bánh tráng.

 

Nhiều con đường phát triển kinh tế được mở ra


Những con đường phát triển kinh tế khác cũng đã được mở ra với chủ trương của NHCSXH, không để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện mà không được vay vốn. Như gia đình anh Bùi Văn Tương ở thôn 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, 3 chương trình vay nối tiếp từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để nuôi bò sinh sản từ năm 2011 đến năm 2019 đã giúp gia đình anh dần bước qua nghèo khó và tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, cơ ngơi lớn nhất là đàn bò của gia đình anh, từ 1 con ban đầu, nay đã lên đến 14 con.


Chủ tịch UBND xã Ea Bar Y Sen Kbuôr, cho biết, với 3.669 hộ/17.718 khẩu, trong đó hộ DTTS chiếm 36% đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi là chủ yếu, vì vậy, xã đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động của các hội, đoàn thể như: Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Trong những năm qua, xã tiếp tục duy trì hoạt động của Ban quản lý các Chương trình MTQG cấp xã, Ban phát triển thôn, buôn thực hiện các Chương trình MTQG tại các thôn, buôn. Đồng thời bố trí cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo.


Đặc biệt, trước thực tế 726 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,52%; hộ cận nghèo 486 hộ, chiếm tỷ lệ 13,74% giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay đẩy mạnh hoạt động cho vay tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống, sớm thoát nghèo bền vững. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn xã đạt gần 12 tỷ đồng; số hộ vay vốn 391 hộ. Dư nợ đến 30/6/2019 đạt gần 52 tỷ đồng với 1.864 hộ vay còn dư nợ.


Hiệu ứng từ nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách xã hội đã thẩm thấu vào đời sống, để từ đó đưa hộ nghèo cuối năm 2018 còn 441 hộ, chiếm tỷ lệ 12,02% giảm 285 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,52% xuống còn 12,02%; hộ cận nghèo còn 421 hộ, chiếm tỷ lệ 11,47%, giảm 65 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 13,74% xuống 11,47%. Tính đến ngày 15/6/2019, xã Ea Bar đã đạt 16/19 tiêu chí; 3 tiêu chí còn lại chưa đạt gồm: trường học, hộ nghèo, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.


Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị các cấp chính quyền, các Ban ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các chương trình, dự án để nhân dân được tiếp cận với các chính sách như vay vốn ưu đãi, tín dụng chính sách của NHCSXH, xuất khẩu lao động và dạy nghề, tạo việc làm mới cho lao động, y tế, giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo, đảm bảo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đạt hiệu quả cao”.
 

Không để lọt hộ đủ điều kiện có nhu cầu vay


Nhìn rộng ra toàn tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai khoa học 2 Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 cùng với trợ lực của tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.


Trong năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 3,7 nghìn lao động; giúp 76 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 1,2 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 40 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 3.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.


Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2019, ước thực hiện “Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung” trên địa bàn tỉnh đạt từ 3,46% trở lên, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,3%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,3%.

Việt Cường/TC GĐ&TE