Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đắk Lắk: Tuyên truyền chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN đạt hiệu quả cao

Những rủi ro trong công việc là điều không ai mong muốn, lường trước được, rủi ro này có khả năng đe dọa đến sức khỏe cuộc sống của người lao động, BHTN lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích thiết thực nhất hiện nay, giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc.

Những năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn quản lý Quỹ an toàn, bền vững và hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi cho người lao động, vừa đóng góp vào ổn định kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tích cực theo dõi, tổng hợp ý kiến phản ánh của BHXH các huyện, thị xã, về tình hình lạm dụng thanh toán chế độ nghỉ ốm, thai sản; Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp, báo cáo lãnh đạo cơ quan đồng thời chủ động đề xuất biện pháp tăng cường công tác quản lý, phòng, chống gian lận, chống thất thoát các quỹ, chú trọng các giải pháp về công nghệ thông tin. Phối hợp với BHXH các huyện, thị xã thường xuyên cập nhật, tổng hợp các vướng mắc, tồn tại trong việc giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp, các vướng mắc về chương trình phần mềm xét duyệt hưởng chế độ BHXH báo cáo lãnh đạo cơ quan và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Công nhân nhà máy bia Sài Gòn Đắk Lắk đảm bảo an toàn lao động trong công việc

Công nhân nhà máy bia Sài Gòn Đắk Lắk đảm bảo an toàn lao động trong công việc

BHXH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội , Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các Hội nghị phổ biến, tư vấn chính sách BHXH, BHYT, trong đó lồng ghép tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật an toàn, vệ sinh lao động nói chung, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng đến chủ sử dụng doanh nghiệp, cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ công đoàn và toàn thể người lao động. Đặc biệt năm 2022, BHXH tỉnh đã tổ chức 23 Hội nghị đối thoại với gần 900 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các tin, bài, phóng sự trên Báo Đắk Lắk, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; trên mạng xã hội như Fanpage, Zalo page BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã… facebook, zalo của đội ngũ các bộ, viên chức ngành BHXH. Đồng thời, BHXH tỉnh thường xuyên chủ động liên hệ trực tiếp với các đơn vị để nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn đơn vị lập thủ tục hồ sơ thụ hưởng các chính sách.

Đặc biệt, Trong năm 2021 thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, cũng như thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam về vấn đề này, BHXH tỉnh đã chủ động ban hành văn bản, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện. Đến ngày 18/7/2022, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc gửi thông báo và thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.973 đơn vị, tương ứng 43.954 lao động, với số tiền tạm tính trên 13 tỷ đồng.

Thực tế tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, người lao động luôn phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, có hại. Cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thời gian qua. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các chính sách nhằm bảo vệ người lao động khỏi các nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cùng với ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động ngày càng được nâng cao nhưng những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết nhiều người do các nguyên nhân khách quan và chủ quan vẫn xảy ra. Điều này để lại hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần cho người lao động, thân nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội ở mỗi quốc gia. Nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là người lao động và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích nhất hiện nay. Quỹ này sẽ bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào Quỹ.

Công  nhân ngành điện kiểm tra bảo trì hệ thống cho khách hàng

Công nhân ngành điện kiểm tra bảo trì hệ thống cho khách hàng

Theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020 áp dụng cho các đối tượng là người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH); Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong BHXH bắt buộc. Theo Nghị định, hằng tháng NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động quy định tại Điều 2 Luật BHXH (trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình) bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đồng thời, được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.Nghị định quy định: NSDLĐ hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH. NSDLĐ là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định. Phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, ba tháng hoặc sáu tháng một lần.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phát huy tối vai trò bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động bị rủi ro, tai nạn trong quá trình lao động, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như của Nhà nước, xã hội.

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động mang tính thiết thực, hữu ích, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.