Chiều 28/7, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, nguyên nhân cá chết và người dân bị bệnh ngoài da khi tiếp xúc với nước ở suối Đắk Dao là do sự cố tràn hóa chất tại nhà máy Alumin Nhân Cơ (thuộc công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, xã Nhân Cơ, Đắk Nông).
Ông Lộc thông tin, vào lúc 8 giờ 14 phút ngày 23/7, tại nhà máy đã xảy ra sự cố trong quá trình vận hành thử.
Một cửa xả của nhà máy Alumin xả trực tiếp xuống suối Đắk Dao
Cụ thể, nhân viên vận hành khu chứa kiềm (A03) khởi động bơm kiềm thì phát hiện tiếng kêu lạ nên cho dừng bơm. Sau đó, phát hiện cổ ống đẩy của bơm bị vỡ làm một lượng kiềm từ bồn chảy ra ngoài. Nhân viên ngay sau đó điện báo cho lãnh đạo công ty tìm cách khắc phục sự cố.
Tuy nhiên, sự cố đã làm 9,58m3 kiềm tràn ra sân nhà máy. Trong đó một phần được thu hồi, một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp với diện tích 600m2 liền kề và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy ra suối Đắk Dao qua cửa xả số 3 về phía hạ du.
Ngày 25/7, Sở TN&MT Đắk Nông phối hợp với Bộ TN&MT quan trắc 3 vị trí đo nồng độ PH. Ở cửa xả số 3 nồng độ PH = 8,13; cách cửa số 3 khoảng 150 mét PH = 7,57; cách 250 mét PH = 7,15.
Ông Lộc cho biết, tiêu chuẩn kĩ thuật Việt Nam cho phép nồng độ PH từ 5,5 đến 9. Như vậy nồng độ xả thải hóa chất của công ty Alumin ra môi trường vẫn nằm ở mức độ cho phép.
“Ngoài việc quan trắc kiểm tra độ PH trên suối Đắk Dao, Sở TN&MT đã lấy mẫu nước khu vực nói trên để nhờ cơ quan chuyên môn phân tích. Từ kết quả phân tích này mới có kết luận chính thức liệu sự cố trên có làm ảnh hưởng đến môi trường hay không” - ông Lộc nói.
Trước đó, vào ngày 23/7, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Cơ xác nhận, tại suối Đắk Đoa xảy ra hiện tượng cá chết bất thường. Xã đã báo cáo UBND huyện và cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu nước xét nghiệm, phân tích để tìm ra nguyên nhân.
Trẻ em ở xã Nhân Cơ bị mẫn ngứa, phỏng da khi xuống suối Đắk Dao vớt cá chết
Ông Phan Diệu Anh (thôn 8, xã Nhân Cơ) phản ánh, khi đi thăm rẫy thì phát hiện nước suối Đắk Dao có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ. Khi tiếp xúc nước suối thì có chất nhờn, nổi bọt giống xà phòng. Khi ông xuống suối khoảng 10 phút thì chân bị ngứa, da khô cứng. Ông Anh cho biết: “Tôi đã đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông khám và được kết luận da bị viêm có mủ. Bác sĩ khuyến cáo phải dùng xà bông rửa sạch vết thương”
Còn bà Thị Brá (bon Bu Dấp) cho biết, khi phát hiện cá chết nổi nhiều trên mặt suối đã cùng một nhóm trẻ xuống vớt cá. Khi vớt khoảng 5 phút thì cảm thấy da chân có biểu hiện nóng và ngứa nên vội lên bờ về nhà tìm xà bông tắm rửa. Tuy nhiên, có 9 em nhỏ bị rộp đỏ da, mẩn ngứa, phải dùng kháng sinh điều trị.
Theo ông Điểu Ôn (bon Bu Dấp), suối Đắk Dao rất dài, nhiều đoạn chạy vòng quanh Khu công nghiệp Nhân Cơ.
Từ trước đến nay, người dân chưa từng chứng kiến nước suối có hiện tượng lạ như vậy.