Dạy nghề, giúp đồng bào phát triển kinh tế, giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh KT
Sau 7 năm tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, chính sách về ưu đãi người có công và bảo đảm an sinh xã hội được Đắk Nông từng bước được hoàn thiện. Các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Nông phối hợp xây dựng văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận, góp phần bảo đảm công bằng. Các chính sách đã bao phủ những nhu cầu cơ bản, có tính thực tế khi triển khai ở cơ sở và ngày càng phù hợp hơn về phạm vi, tiêu chí xác định đối tượng, mức hưởng, điều kiện hưởng, góp phần tăng hiệu quả, mức độ bền vững. Các chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội góp phần không nhỏ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Đắk Nông đã tập trung nguồn lực cộng đồng, chung tay, góp sức để thực hiện các chính sách liên tục trong nhiều năm nên đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt bình quân 8,2%/năm; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch; cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng và triển khai hiệu quả; cơ cấu lao động trong vùng từng bước chuyển dịch, qua đó giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân giảm mỗi năm từ 2-3% (riêng huyện nghèo Tuy Đức, Đắk Glong giảm từ 5%/năm trở lên); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã được nâng lên; cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của vùng; bản sắc văn hóa được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trồng rau màu được nhiều hộ chọn trong phát triển kinh tế. Ảnh KT
Làm tốt công tác chỉ đạo, sát sao với chủ trương của Đảng
Thành tích nêu trên là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sâu sát của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận dân cư được nâng lên. Các chính sách về an sinh xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Hệ thống các chính sách, cơ chế, giải pháp an sinh xã hội đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành nghề, tạo việc làm tại chỗ và có thu nhập ổn định cho các đối tượng là người yếu thế trong xã hội, phát triển kinh tế văn hóa - xã hội theo hướng bền vững trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông.
Nguyễn Ngọc Minh/TC GĐ&TE