Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đắk Nông: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững

Đắk Nông có 7 huyện và TP. Gia Nghĩa, với 71 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 12 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đời sống người dân ở mức thấp. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước, công tác giảm nghèo trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương ở Đắk Nông. Từ đó, rất nhiều phong trào thi đua, mô hình tiêu biểu, cách làm hay được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phát huy năng lực hộ gia đình, cộng đồng

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, công tác giảm nghèo của tỉnh đã mang hiệu quả thiết thực, bao trùm bằng đa dạng các mô hình, dự án giảm nghèo. Việc thay đổi phương thức hỗ trợ chuyển từ “cho không” sang trợ giúp một phần là cách làm rất hay ở Đắk Nông. Cách làm này là giúp đỡ có điều kiện nên khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi. Hộ nghèo được hỗ trợ đã có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Việc triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã tận dụng và phát huy được năng lực hộ gia đình, cộng đồng.  

Trong quá trình triển khai, tư duy của người dân dần thay đổi. Bà con chủ động trong hoạt động, tự lực vươn lên, tạo sinh kế thoát nghèo. Tỉnh đã xây dựng chương trình hành động để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, việc xây dựng các mô hình giảm nghèo được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến người dân. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện các mô hình sinh kế, giúp người dân có nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được Trung ương phân bổ trên 600 tỷ đồng phục vụ công tác giảm nghèo.

Nhiều gia đình ở Đắk Nông tập trung sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế để xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhiều gia đình ở Đắk Nông tập trung sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế để xóa giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ nguồn vốn này, tỉnh tập trung thực hiện các dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo. Tỉnh thực hiện 2 đề án giảm nghèo tại huyện nghèo Đắk Glong, Tuy Đức với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Ngoài ra, việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo cũng được các đơn vị, đoàn thể như: Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… triển khai đạt kết quả tích cực. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả và được nhân rộng như: Chăn nuôi gà lai chọi xã Đắk Ha (Đắk Glong), Đắk Ngo (Tuy Đức); nuôi dê, bò sinh sản tại xã Quảng Trực (Tuy Đức); chăn nuôi thỏ tại xã Đắk Rmoan (Gia Nghĩa); nuôi ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gia cầm và làm phân bón ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp)…

Riêng các cấp Hội Nông dân đã tổ chức hỗ trợ 6.061 lượt hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Đồng thời, hội xây dựng 39 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vựa lúa Buôn Choáh (Krông Nông) đang tạo cú hích cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng thu nhập, ổn định cuốc sống. Đến cuối năm 2022, tỉnh Đắk Nông có 13.342 hộ nghèo, chiếm 7,97% hộ dân toàn tỉnh.

Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chung là 9.589 hộ, chiếm 20,11%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 3.892 hộ, chiếm 24,56%. Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Cây mắc ca giúp nhiều người dân ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) có thu nhập ổn định.

Cây mắc ca giúp nhiều người dân ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) có thu nhập ổn định.

Theo đó, tỉnh phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập. 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện, tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin…

 Các mô hình, dự án giảm nghèo theo hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp được tỉnh triển khai nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho người nghèo. Việc thực hiện các nội dung, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Công tác giảm nghèo bền vững dù đạt những kết quả rất khả quan, khích lệ nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, hạn chế. Đây cũng là thách thức rất lớn trong thời gian tới của Đắk Nông. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, chương trình giảm nghèo có sự điều hành đồng bộ, tính lồng ghép cao. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý triển khai các dự án, chính sách còn mang tính độc lập, riêng lẻ mà chưa có sự phối hợp.

Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; coi công tác giảm nghèo đa chiều là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Hiện, vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn là nơi khó khăn nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kinh tế tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, người nghèo chủ yếu lao động giản đơn trong sản xuất nông nghiệp, bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp. Bởi vậy, việc thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mục tiêu thời gian tới

Thời gian tới, Đắk Nông thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra, đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) từ 3% trở lên; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong năm 2023 trên địa bàn. Tiếp tục triển khai, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi; học nghề; y tế; giáo dục; trợ giúp pháp lý. Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các phòng, ban, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện chương trình; khen thưởng, động viên và nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình của các địa phương; tổng hợp kết quả thực hiện chương trình, báo cáo kết quả định kỳ, đột xuất về UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, các đơn vị chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần theo quy định.