Lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vừa tiến hành tiêu hủy số vũ khí, vật liệu nổ do người dân giao nộp trong thời gian qua. Theo quy định của pháp luật, người dân không được phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là súng tự chế, để sử dụng vào mục đích săn bắn động vật hoang dã như: chim, sóc…, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thì viện lý do rằng dùng súng tự chế để bảo vệ hoa màu hay…cải thiện bữa ăn.
Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng tự chế là vi phạm pháp luật đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã từng xảy ra những vụ dùng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn cá nhân hay trong quá trình đi săn, bắn nhầm gây chết người. Thậm chí loại vũ khí tự chế không an toàn, trong quá trình sử dụng bản thân người đó tự gây thương tích…Hàng năm Công an tỉnh Đắk Nông đều tiến hành công tác vận động người dân giao nộp.
Vào ngày 29/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Hồ Văn Mười viết thư kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động thu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Sau khi có thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương tích cực vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Hưởng ứng cuộc vận động, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tự giác đến công an xã, phường giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đơn cử, tại huyện Cư Jút, từ tháng 7 đến nay, người dân đã giao nộp 85 khẩu súng cùng nhiều linh kiện vũ khí các loại.
Theo lãnh đạo Công an, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều thu giữ được nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ người dân giao nộp. Riêng súng tự chế đã thu giữ trên 1.500 khẩu các loại như: súng kíp, súng hơi...
Đến nay, tại công an các huyện, thành phố thu được cần phải tiến hành tiêu hủy theo quy định. Trong tháng 12/2023, các địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã thu giữ. Trước khi tiến hành tiêu hủy các địa phương đều tiến hành thành lập Hội đồng tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
Theo Đại tá Hồ Quang Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, việc tổ chức tiêu hủy nhằm làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng của số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom của người dân giao nộp.
Cùng với đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Tại TP Gia Nghĩa đã tiêu hủy 116 khẩu súng tự chế, 85 vũ khí thô sơ, 11 linh kiện dùng để chế tạo vũ khí; huyện Cư Jút tiêu hủy 309 khẩu súng tự chế, 5 nòng súng và linh kiện chế tạo súng, 192 viên đạn súng quân dụng, 1.600 viên đạn chì, 60 dao, mã tấu và pháo nổ các loại và 12,3 kgpháo; huyện Đắk Glong tiêu hủy 495 súng tự chế các loại, trong đó có 195 khẩu súng kíp, 235 khẩu súng cồn, 30 nòng súng, 15 bầu súng cồn, huyện Tuy Đức tiêu hủy 162 súng cồn, 71 súng kíp, 1 súng hơi, 12 vũ khí thô sơ và 66 linh kiện dùng để chế tạo súng.
Cuộc vận động người dân giao nộp vũ khí vật liệu nổ là mục tiêu lớn của lực lượng công an trên cả nước nói chung, hưởng ứng cuộc vận động này, lực lượng công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.