Hội nghị với mục tiêu đánh giá đúng thực trạng tình hình an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì, với sự tham dự của các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN, đại diện Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông cùng các ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tại 64 điểm cầu trực tuyến.
Thời gian qua, cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của các phương thức thanh toán điện tử thông qua mạng Internet và mạng điện thoại di động trên thế giới, hoạt động thanh toán tại Việt Nam cũng đã có những bước phát triển vượt bậc với hàng loạt các loại hình dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới ra đời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế tương đồng với công nghệ thanh toán trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương thức thanh toán đã thay đổi nhanh chóng và đa dạng từ thanh toán tiền mặt là chủ yếu sang các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống hiện diện dưới hình thức vật chất (như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu…) rồi đến thanh toán điện tử và thanh toán thẻ ngân hàng nay đã chuyển qua các phương thức thanh toán hiện đại sử dụng hoàn toàn công nghệ tồn tại trên môi trường mạng như ví điện tử, internet banking, mobile banking hay thẻ phi vật lý…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt bậc như nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, các dịch vụ thanh toán điện tử hay thanh toán thẻ nói chung cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng và cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ khi phải đối mặt với các loại hình tội phạm công nghệ cao cùng phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, tấn công mạng đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu và là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tài chính, ngân hàng, trong đó xương sống là hệ thống thanh toán là hệ thống rất quan trọng và nhạy cảm của nền kinh tế, đã và đang là đích ngắm hàng đầu của các đối tượng phạm tội công nghệ cao trên toàn thế giới, trong đó có cả ở Việt Nam.
Trên thế giới, gian lận rủi ro trong hoạt động thanh toán có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, kể cả những quốc gia có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... Đối với các tổ chức thẻ quốc tế lớn như Visa hay MasterCard..., vấn đề an ninh, an toàn bảo mật nhằm hạn chế gian lận trong giao dịch thẻ cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình nghiên cứu, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ. Tuy vậy, tổng kết hàng năm về tình hình gian lận thẻ vẫn là vấn đề nổi cộm đối với các tổ chức này khi xu hướng phạm tội vẫn tiếp tục phát sinh, bất chấp việc áp dụng các giải pháp công nghệ bảo mật mới nhất.
Qua theo dõi, giám sát hoạt động thanh toán điện tử và thanh toán thẻ trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy các sự cố rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Nếu như trước đây, các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm người nước ngoài thì hiện nay các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam.
Tuy nhiên, qua thống kê, đánh giá và so sánh với các nước trên thế giới, có thể thấy rằng hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay vẫn được đảm bảo an toàn, với số lượng, tỷ lệ sự cố và vụ việc gian lận xảy ra ít, chỉ là hy hữu. Tuy vậy, hệ thống ngân hàng không chủ quan, không xem nhẹ, không lơ là với tình hình và xu hướng tội phạm công nghệ cao như hiện nay.
Qua thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã khẳng định: Việc quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán nói chung và thanh toán điện tử nói riêng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo sát sao cùng với sự tuân thủ, phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, các tổ chức thẻ quốc tế, công ty chuyển mạch thẻ, các tổ chức trung gian thanh toán và các bên có liên quan.
Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các TCTD phải phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan chức năng để sớm thông tin đến khách hàng. Tổ chức, cá nhân nào sai phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, ngân hàng luôn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin, Cục An toàn thông tin đang khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho Việt Nam nói chung và ngành tài chính, ngân hàng nói riêng, trong đó có việc khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.
Đại diện Cục C50 (Bộ Công an) đánh giá, hiện nay, hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ của các ngân hàng Việt Nam đảm bảo an toàn. Đối với những vụ việc hy hữu xảy ra, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sơ hở phía người sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. C50 khẳng định, sẽ thường xuyên phối hợp với các ngân hàng trong việc trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử và thông báo các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ trên thế giới và tại Việt Nam.